Trong vòng hơn 30 giờ xảy ra 31 trận động đất tại huyện Kon Plông
Sáng 29/7, H.Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra 10 trận động đất. Tính từ ngày 28/7 đến 6 giờ 56 phút sáng nay, huyện này xảy ra 31 trận động đất. Trong đó, trận động đất lớn nhất 5.0 richter, gây rung lắc tại nhiều tỉnh của Tây Nguyên và miền Trung.
Trận động đất mạnh nhất trong sáng nay xảy ra vào hồi 6 giờ 33 phút, có độ lớn 3.2 richter, tọa độ (14.760 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Còn 9 trận động còn lại xảy ra rạng sáng nay độ lớn dưới 2.9 richter. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Ngày hôm qua, H.Kon Plông xảy ra 21 trận động đất liên tiếp. Các trận động đất có độ lớn từ 2.5 richter đến 5.0 richter.
Như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, trong sáng 28/7, tại địa bàn H.Kon Plông xảy ra các trận động đất liên tiếp. Đặc biệt, trận động đất xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội), có độ lớn 5.0 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Đây là trận động lớn nhất được ghi nhận tại H.Kon Plông. Trận động đất đã gây rung lắc tại nhiều tỉnh thành như: Kon Tum, Gia Lai. Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng…
Theo cập nhật nhanh từ các xã, thị trấn trên địa bàn H.Kon Plông, các trận động đất không gây thiệt hại về người. Tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rơi tivi hư hỏng hoàn toàn. Điểm trường THCS và Trạm Y tế xã Đăk Ring bị nứt vách tường. Còn tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non và phòng làm việc của Công an xã cũng nứt tường.
Ngay sau khi xảy ra các trận động đất, UBND H.Kon Plông đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện theo phân công địa bàn phụ trách, khẩn trương xuống địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra.
Ngoài ra, phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tư tưởng, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống...
Động đất vẫn sẽ tiếp tục xảy ra ở Kon Tum trong thời gian tới
Lý giải về việc xảy ra liên tiếp động đất tại khu vực này trong hai ngày qua, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, thông thường khu vực nào xảy ra trận động đất mạnh sẽ có các trận động đất nhỏ kèm theo sau đó.
Ví dụ, do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 5.0 vào trưa 28/7, nên từ trưa 28/7 đến trưa 29/7 đã xảy ra thêm 25 trận động đất với độ lớn từ 2.5 đến 3.7.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3.9 độ.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7/2024 có độ lớn 5.0 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4.7 độ.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm động đất có độ lớn từ 5.0-6.0 là động đất có độ lớn trung bình, có thể gây nên thiệt hại trung bình tới thiệt hại nặng cho các công trình xây dựng thiết kế kém, không gây thiệt hại đến thiệt hại nhẹ cho các công trình được thiết kế tốt.
Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát, đánh giá các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất và có giải pháp với các công trình này.
“Hiện Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 11 trạm theo dõi động đất tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này,” Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo các địa phương tại khu vực Kon Tum đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà dân, trụ sở làm việc, trường học.
Đặc biệt là kiểm tra các công trình thủy điện, thủy lợi để kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống; tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.