Trợt loét toàn thân, nhiễm trùng nặng vì ăn thiếu chất
Bệnh diễn biến càng nặng, ông Trọng sốt cao kéo dài, tổn thương trợt loét toàn thân, thể trạng yếu, nhiễm trùng, tiên lượng rất nặng nề.
Tại khoa điều trị Bệnh Da nam giới (D3), Bệnh viện Da liễu Trung ương, ông Nguyễn Văn Trọng (63 tuổi, ở thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đang được điều trị với chẩn đoán mắc pellagra khá nặng.
Ông Trọng nhập viện từ ngày 13/5, triệu chứng ban đầu là xuất hiện nhiều vết trợt loét trên tay, chân, đau nhiều, kèm theo loét miệng, ăn uống khó khăn. Đến nay, bệnh diễn biến càng nặng, ông sốt cao kéo dài, tổn thương trợt loét toàn thân, thể trạng yếu, nhiễm trùng nặng, albumin giảm.
Các bác sĩ chẩn đoán ông Trọng bị thiếu niacin. Đây là vi chất quan trọng trong chuyển hóa sinh năng lượng của cơ thể sống.
Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm yếu đã hơn 10 năm nay, không còn sức lao động. Vợ làm ruộng và cả 4 người con đều có công việc không ổn định. Hiện, người nhà phải chạy tiền từng ngày, chắt chiu để mua từng lọ thuốc cho bệnh nhân dùng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thu, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da nam giới, cho biết bệnh pellagra là do chế độ ăn thiếu niacin hoặc tryptophan hoặc thiếu cả hai và mất cân bằng các acid amin trong cơ thể.
Các biểu hiện về tiêu hóa là triệu chứng hay gặp nhất trước khi xuất hiện các biểu hiện bệnh da. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tiêu chảy... tổn thương da xuất hiện về mùa hè, sau đó có những đợt bệnh nặng hoặc tái phát theo mùa.
Các thay đổi về da là các biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh, vị trí hay gặp là vùng tiếp xúc với ánh nắng hoặc vùng cọ xát nhiều.
Trong một số bệnh nhân, mụn nước xuất hiện sau vài ngày bị ban đỏ, các tổn thương liên kết với nhau thành bọng nước rồi vỡ ra. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân xuất hiện các vẩy da khô màu nâu.
Sau đó, vùng tổn thương trên da trở nên cứng, khô ráp, dễ vỡ, màu hơi nâu. Thượng bì các ngón tay dày và các nếp gấp bị xóa. Người bệnh xuất hiện các vết nức đau ở lòng bàn tay và ngón tay.
Khi giai đoạn nặng kéo dài, da bệnh nhân trở nên cứng hơn, khô hơn, dễ vỡ hơn và trên da phủ một lớp vẩy màu hơi đen do xuất huyết.
Thạc sĩ Thu cho biết nếu không điều trị, bệnh có thể gây nhiễm trùng huyết và có thể tử vong. Do đó, phương pháp điều trị đặc hiệu là uống niacinamide (còn gọi là vitamin PP). Người bệnh cần có chế độ ăn giàu vitamin (đặc biệt các vitamin nhóm B khác) và đạm năng lượng cao.
Nguồn vitamin PP trong thực phẩm gồm các loại như thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh và ngũ cốc... Nhu cầu cần thiết hàng ngày là 14-18 mg.
Các bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng lạ xuất hiện trên da, người bệnh cần đi khám để xem nguyên nhân và mức độ thiếu hụt để bổ sung một cách hợp lý, tránh tự ý mua thuốc về dùng sẽ dẫn đến dùng liều không đúng. Việc dùng liều cao cũng gây bất lợi như buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da và có thể tử vong.