Trừ điểm giấy phép lái xe: Tăng tính răn đe, hạn chế vi phạm giao thông

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 với nhiều điểm mới. Trong đó có quy định về việc trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm.

Nâng cao công tác quản lý Nhà nước

Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 nêu rõ: Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe

GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7, Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

Liên quan đến quy định về điểm và trừ điểm GPLX đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, Trung tá Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), CATP Hà Nội cho rằng, quy định này là cần thiết bởi những lý do sau: Tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông.

Việc áp dụng hình thức trừ điểm GPLX đối với người vi phạm giao thông là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý và kiểm soát giao thông. Đây là một chính sách có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những thách thức như: Việc xây dựng và duy trì hệ thống giám sát phải chặt chẽ, đồng bộ trên toàn quốc. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo rằng việc ghi nhận vi phạm và trừ điểm được thực hiện chính xác, minh bạch và kịp thời. Hệ thống cơ sở dữ liệu về điểm và bằng lái phải được xây dựng hoàn chỉnh, tránh bị lỗi, gây phiền hà cho người dân…

Trong khi hiện nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với tình hình thực tế. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi, không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp GPLX nhưng không đủ tự tin để lái ô tô ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là các quy tắc tham gia giao thông. Do đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe.

Điểm, trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Điểm, trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nâng cao ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông

Hiện nay, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định, các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX có từ 1 - 3 tháng, hoặc từ 2 - 4 tháng, hoặc từ 22 - 24 tháng.

Mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp GPLX. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân. Việc tước giấy GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ GPLX không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. “Điểm, trừ điểm GPLX được quy định trong Luật là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm giống như “tiếng chuông” cảnh báo, giúp lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn” - Trung tá Đào Việt Long nhìn nhận.

Cũng theo Phó trưởng Phòng CSGT phân tích, người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm GPLX, và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó quản lý người lái xe từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Việc vi phạm, tái phạm từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới

Theo các nhà chuyên môn, quy định mới về điểm và trừ điểm GPLX là văn minh, được chọn lọc áp dụng từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia khác trên thế giới nhưng cũng phù hợp với tình hình giao thông ở Việt Nam.

Tại Mỹ, việc áp dụng hệ thống tính điểm GPLX được quy định khác nhau tại mỗi bang, tùy theo quy định mà trừ điểm, đình chỉ có thời hạn, hoặc tước GPLX vĩnh viễn. Tuy nhiên, trừ điểm không phải là tất cả. Cụ thể, ở bang California, khi lái xe bị buộc tội vi phạm giao thông, tòa án có thể cho họ cơ hội theo học tại trường dạy về vi phạm giao thông. Nếu tòa án cho phép, lái xe có thể theo học trực tuyến. Khi lái xe tham gia lớp học có thể được xóa bỏ các vi phạm trong hồ sơ bằng lái. Còn ở bang Massachusetts, hệ thống điểm bằng lái gắn liền với bảo hiểm. Người không vi phạm luật giao thông sẽ có mức phí bảo hiểm thấp hơn người vi phạm, có nghĩa là càng nhiều lỗi vi phạm thì mức phí bảo hiểm đóng càng cao.

Tại Ý, mỗi lái xe được cấp 20 điểm. Hai năm liên tiếp không vi phạm, lái xe được cộng thêm 2 điểm. Số điểm tích lũy tối đa của mỗi người là 30. Ngược lại, cơ quan chức năng tại đây cũng có các thang trừ điểm khác nhau. Nếu mất 20 điểm trong 1 năm, lái xe sẽ bị tước bằng trong 2 năm. Nếu 20 điểm bị trừ trong dưới 2 năm, thời gian tước bằng là 1 năm. Còn nếu trừ 20 điểm trong hơn 2 năm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện trong thời gian 6 tháng. Ngoài ra, với những lỗi nặng như điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, vượt quá tốc độ... thì người lái xe sẽ bị tước bằng ngay lập tức.

Vương quốc Anh tính theo thang 12 điểm. Lái xe sẽ bị cấm điều khiển xe nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau: Bị kết án vi phạm Luật Giao thông nghiêm trọng hoặc bị 12 điểm phạt trong vòng 3 năm. Sau đó, lái xe sẽ nhận được trát hầu tòa và tòa án sẽ quyết định họ bị cấm lái xe trong bao lâu. Nếu bị cấm từ 56 ngày trở lên, người lái xe phải thi lại bằng lái.

Còn tại Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá, phương thức phạt điểm vi phạm vào GPLX của nước này khá giống với cách Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trung Quốc áp dụng hệ thống 12 điểm và sẽ được làm mới lại vào ngày 1-1 hàng năm. Nếu người vi phạm mất 12 điểm trong 1 năm thì bị “treo” bằng. Khi số điểm bị trừ về mức 0, những người vi phạm sẽ bị tịch thu GPLX. Người lái xe sẽ phải qua một lớp đào tạo về Luật Giao thông trong 2 tuần, bị nộp phạt và làm bài kiểm tra lại. Chỉ khi nào vượt qua bài kiểm tra này mới được nhận lại bằng lái. Trong trường hợp cố tình không đi học, bằng lái sẽ bị hủy ngay lập tức. Những người bị phạt tổng cộng 24 điểm sẽ phải thi lại cả phần thực hành. Ngoài ra, những người mới có bằng lái (dưới 1 năm) mà đã bị trừ quá 12 điểm cũng sẽ bị “treo” bằng 1 năm.

Như vậy, có thể thấy, việc áp dụng hình thức trừ điểm GPLX đối với người vi phạm giao thông ở Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý và kiểm soát giao thông. Đây là một chính sách có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những thách thức như: Việc xây dựng và duy trì hệ thống giám sát phải chặt chẽ, đồng bộ trên toàn quốc. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo rằng việc ghi nhận vi phạm và trừ điểm được thực hiện chính xác, minh bạch và kịp thời. Hệ thống cơ sở dữ liệu về điểm và bằng lái phải được xây dựng hoàn chỉnh, tránh bị lỗi, gây phiền hà cho người dân…

Vì vậy, để đảm bảo quy định về điểm và trừ điểm GPLX được áp dụng thuận lợi, bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân thì yếu tố quan trọng là xây dựng hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật đảm bảo. Khi đó chắc chắn việc ứng dụng quy định này vào xử lý vi phạm giao thông thời gian tới sẽ nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân, góp phần nâng cao văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông nhờ hạn chế các vi phạm.

Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội

“Điểm, trừ điểm GPLX được quy định trong Luật là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm giống như “tiếng chuông” cảnh báo, giúp lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn”

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội: Quy định tác động trực tiếp tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Việc trừ điểm GPLX cho thấy đây là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung, hỗ trợ quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX. Quy trình này không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm nên không phát sinh tiêu cực, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Trừ điểm GPLX nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, nguy cơ gây mất toàn giao thông của hành vi vi phạm. Mức trừ điểm trong 1 lần vi phạm đảm bảo không trùng với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp giấy phép lái xe còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau thời gian quy định kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi số điểm ban đầu. Điều này không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân, vẫn quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…

Lái xe Nguyễn Đình Hiệp, quận Tây Hồ, Hà Nội: Trừ điểm bằng lái xe là quy định vừa nhân văn vừa mang tính răn đe

Việc thực hiện quy định về điểm và trừ điểm GPLX góp phần nâng cao văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông nhờ hạn chế các vi phạm

Hiện nay, vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, tạo lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao, chế tài xử lý đối với cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, nếu so sánh việc xử phạt lái xe bằng biện pháp bổ sung là tước GPLX như hiện nay với việc trừ điểm, phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn. Việc trừ điểm GPLX vừa quản lý chặt chẽ người lái xe, vừa tạo điều kiện cho họ có cơ hội điều khiển phương tiện khi đã cố gắng chấp hành tốt quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Trừ điểm GPLX hướng tới mục tiêu cao hơn là định hướng hành vi của mỗi lái xe. Khi đã vi phạm và bị trừ điểm, lái xe muốn không tiếp tục bị mất điểm thì không được vi phạm nữa.

Khi quy định trừ điểm bằng lái xe có hiệu lực chắc chắn có tác động mạnh tới ý thức và hành vi của người tham gia giao thông. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần và khi bị trừ hết điểm lái xe buộc phải học lại. Từ đó họ phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm. Ngoài ra, điểm của GPLX cũng được coi là một trong những tiêu chí để các nhà tuyển dụng lao động lái xe cho mình.

Có thể nói, quy định về trừ điểm GPLX khá hợp lý. Nó vừa nhân văn, vừa răn đe, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Người được cấp GPLX nếu nắm được số điểm hiện tại mình đang có bao nhiêu, đã từng vi phạm bao nhiêu lần thì họ sẽ có trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát được những cá nhân đã từng vi phạm quy định về an toàn giao thông, đánh giá được mức độ vi phạm.

Tuy vậy, sau khi Luật có hiệu lực, cơ quan chức năng cần có ngay các văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ về việc thông báo cho lái xe sau khi bị trừ điểm biết còn bao nhiêu điểm, từ đó có tác dụng cảnh báo cho họ về nguy cơ mất nghề. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải cũng có điều chỉnh trong cam kết của hợp đồng lao động và có cam kết về khoán quản công việc.

Huệ Linh (Ghi)

Thùy An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tru-diem-giay-phep-lai-xe-tang-tinh-ran-de-han-che-vi-pham-giao-thong-post587164.antd