Xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh giao thông bị xử lý thế nào?

Xin hỏi, theo quy định hiện nay, trường hợp xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bị xử phạt thế nào? – Câu hỏi của bạn Khắc Hội (Hải Dương).

Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như thế nào?

Căn cứ tại khoản 3, Điều 11, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau:

- Tay bên phải giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở tất cả các hướng phải dừng lại;

- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên phải và bên trái người điều khiển giao thông được đi;

- Tay bên phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

Xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bị xử phạt bao nhiêu tiền?

 Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Căn cứ tại điểm b, khoản 5, khoản 11, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 34, Điều 2, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

...

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

...

11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

...

- Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i, khoản 5, Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng;

- Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7, Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g, khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h, khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, khoản 5, Điều này;

...

Như vậy, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Ngoài ra, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Thái Yến ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xe-o-to-khong-chap-hanh-hieu-lenh-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao-post390147.html