'Trụ đỡ' giúp người dân tiêu thụ nông sản
Mặc dù năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tác động khiến lượng tiêu thụ nông sản trên địa bàn bị giảm sâu, nhưng với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, ngành Công thương đã trở thành 'trụ đỡ' giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng 'được mùa mất giá'.
“Cầu nối” giữa người dân và thị trường
Bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công quốc gia và địa phương đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến cam, ớt gió, chè Xanh, cốm, rau Má cần Tây, dược liệu, trà hữu cơ, tinh bột nghệ, mật ong... Từ đó, trang bị cho các cơ sở sản xuất những thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm qua chế biến; cung ứng ra thị trường sản phẩm an toàn và chết lượng; hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu sản phẩm nước cam cô đặc.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương, cho biết: Các đề án cơ bản hoàn thành, giúp các đơn vị ổn định sản xuất, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng, được bảo hộ nhãn hiệu, có mẫu mã bao bì đẹp để cung ứng ra thị trường. Mặt khác, trung tâm phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; phối hợp lựa chọn sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh để trưng bày tại “Hội chợ triển lãm hàng hóa và diễn đàn đầu tư - Thương mại Nam Á, Đông Nam Á năm 2021” tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tổng hợp danh mục sản phẩm OCOP, đăng tải trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX lập tài khoản và bán hàng trên một số sàn giao dịch như Sendo, Lazada, Shopee, Voso…
Khẳng định vai trò “trụ đỡ” giúp người dân tiêu thụ nông sản, ngành Công thương triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Việc đưa nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực; hàng trăm mặt hàng được bán trên các sàn giao dịch; hàng chục nghìn tấn cam được tiêu thụ. Ngành tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam trong hệ thống các siêu thị; đưa vào hoạt động gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Phối hợp duy trì hoạt động các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX quảng bá sản phẩm để liên kết với sàn giao dịch thương mại điện tử. Phối hợp với tập đoàn FPT thiết kế gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D và truyền thông, quảng cáo sản phẩm của tỉnh trên nền tảng số. Giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận và chủ động đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch, Sở Công thương phối hợp tổ chức tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và hỗ trợ tiêu thụ. Hỗ trợ điểm tập kết, trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm cam, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại một số tỉnh, thành phố trong nước.
Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ thông qua các đầu mối quen thuộc; thị trường tuy khá rộng nhưng lượng tiêu thụ chưa thực sự lớn. Sau khi được hỗ trợ, HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các sản phẩm của HTX, nhất là mật ong Bạc hà lên các sàn giao dịch nên dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lượng tiêu thụ tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX”.
Tháo gỡ “nút thắt” tiêu thụ
Tuy nhiên, công tác khuyến công gặp nhiều khó khăn do công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các đề án chưa thường xuyên; cán bộ biên chế giao phụ trách công tác khuyến công còn mỏng so với khối lượng công việc; chi phí cho công tác quản lý đề án hạn chế. Mặt khác, chưa có hệ thống cộng tác viên khuyến công tại các huyện, thành phố nên công tác tư vấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia đăng ký đề án gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm từ nguồn ngân sách địa phương hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn nên chưa khuyến khích các đơn vị mạnh dạn đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền, cho biết: Do ngành nghề công nghiệp nông thôn tại các huyện ít nên số lượng đăng ký khuyến công hạn chế; việc lựa chọn các đề án điểm, đề án có tầm ảnh hưởng lớn để hỗ trợ rất khó khăn. Việc tiêu thụ sản phẩm sau chế biến ở thị trường trong nước và xuất khẩu gặp nhiều trở ngại, dẫn đến nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn khó khăn về vốn đầu tư cho tái sản xuất; do đó, tiến độ thực hiện một số đề án chậm, có những đề án xin ngừng thực hiện hoặc phải điều chỉnh nội dung. Các doanh nghiệp, HTX dù đã áp dụng công nghệ thông tin để tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhưng sản lượng tiêu thụ chưa cao do công tác vận hành hạn chế...
Phát huy vai trò “cầu nối”, giúp nông sản của tỉnh vươn xa, ngành Công thương tập trung bám sát nhu cầu thiết thực của địa phương và hỗ trợ các đề án có trọng tâm, trọng điểm; bước đầu xây dựng, triển khai hỗ trợ các đề án điểm, đề án nhóm trên cơ sở các lĩnh vực, ngành nghề thuộc đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Hỗ trợ sản xuất và xây dựng chất lượng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mẫu mã bao bì theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường. Lựa chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại; áp dụng công nghệ tiên tiến, thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX chuyển đổi số; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và thực hiện giao thương, kết nối bằng hình thức trực tuyến...
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202112/tru-do-giup-nguoi-dan-tieu-thu-nong-san-785970/