Trữ lượng dầu khí thế giới giảm 40% do thời tiết cực đoan

Những loại hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn, tạo ra những cú sốc lớn hơn nữa trong ngành dầu khí.

Trong một báo cáo mới đây, hãng tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang đe dọa khoảng 40% trữ lượng dầu và khí đốt có thể khai thác trên thế giới.

Báo cáo nói rằng 40% trữ lượng đó tương đương khoảng 600 tỉ thùng dầu. Theo chỉ số “Climate Change Exposure” của Verisk Maplecroft, khoảng 10,5% trữ lượng dầu và khí đốt có thể khai thác trên toàn cầu nằm ở những nơi được đánh giá là cực kỳ rủi ro, trong khi 29,5% trữ lượng còn lại có độ rủi ro cao.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan được liệt kê trong báo cáo bao gồm bão, lũ lụt, mực nước biển dâng cao và sự nóng lên của Trái Đất. Theo Verisk Maplecroft, các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Arập Xêút, Nigeria, Iraq là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước những hiện tượng thời tiết bất lợi. 3 quốc gia này chiếm gần 1/5 trữ lượng dầu và khí đốt có thể khai thác của thế giới.

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang đe dọa khoảng 40% trữ lượng dầu và khí đốt. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia lưu ý rằng Arập Xêút đang phải đối mặt với những hiểm họa ngày càng lớn từ hạn hán, bão cát và nhiệt độ cực cao.

Thông tin xấu hơn là các ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đã bắt đầu xuất hiện. Bão tuyết nghiêm trọng tại Texas (Mỹ) hồi tháng 2-2021 và cơn bão nhiệt đới Ida đổ bộ vào vùng Vịnh Mexico của Mỹ là những minh chứng điển hình.

Bão tuyết nghiêm trọng tại Texas đã tàn phá ngành công nghiệp dầu khí của tiểu bang này, khiến hàng triệu người không có điện và nhiên liệu sưởi ấm, trong khi cơn bão Ida đã gây ra 55 vụ tràn dầu kỷ lục ở Vịnh Mexico, dẫn đến việc ngừng khai thác và gián đoạn hoạt động trong ngành lọc dầu ở duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ.

Nhóm tác giả của báo cáo cho hay: Những loại hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn, tạo ra những cú sốc lớn hơn nữa trong ngành dầu khí. Tuy nhiên, việc xác định và tiết lộ những rủi ro này theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm về công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) hiện là điều cần thiết về chiến lược đối với các công ty năng lượng nếu họ muốn giảm thiểu những mối đe dọa và bù đắp những lo ngại của nhà đầu tư về quá trình chuyển đổi sang tương lai carbon thấp.

Theo các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên chính là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát. Ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ sẽ cần đến một lượng tiền khổng lồ.

Xét trên phạm vi toàn thế giới, BĐKH sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo nên các chu kỳ tăng trưởng không bền vững. Sử dụng các mô hình đánh giá hiệu ứng kinh tế toàn cầu, các nghiên cứu chỉ ra rằng, BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước chịu tác động mạnh của BĐKH, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở các nước đang phát triển chịu tác động mạnh nhất của BĐKH sẽ giảm từ 1% đến 2,3%/năm.

Ở Việt Nam, thiên tai đang ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm.

Theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2012), đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1 m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang. Chính phủ các nước phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tru-luong-dau-khi-the-gioi-giam-40-do-thoi-tiet-cuc-doan-62842.html