Trù phú vùng đất biên cương

Về Chiềng Khương, xã biên giới đầu tiên của huyện Sông Mã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự đổi thay trong cuộc sống và diện mạo nơi đây. Ấn tượng nhất là hoạt động giao thương dọc quốc lộ 4G khu vực trung tâm xã tấp nập; còn vào các bản là những đồi, nương phủ kín màu xanh cây trái... Tất cả tạo nên bức tranh ấm no, trù phú nơi dải đất biên cương.

Bản Tân Lập, xã Chiềng Khương phát triển kinh doanh dịch vụ.

Bản Tân Lập, xã Chiềng Khương phát triển kinh doanh dịch vụ.

Bản Tân Lập ở ngay trung tâm xã Chiềng Khương, gọi là bản nhưng nơi đây mang dáng vẻ của phố thị sôi động. Những cửa hàng kinh doanh quy mô lớn với đủ loại từ đồ điện tử, xe máy, gia dụng, thực phẩm, quần áo nằm kề san sát nhau. Ghé một cửa hàng kinh doanh xe máy, đồ điện tử, gia dụng lớn nhất nơi đây, anh Nguyễn Văn Tú, chủ cửa hàng Tú Hiền, chia sẻ: Hơn chục năm về trước, nơi này vắng vẻ, hàng quán lưa thưa vài mặt hàng thiết yếu. Từ khi quốc lộ 4G được đầu tư nâng cấp, Cửa khẩu Chiềng Khương mở rộng cho người dân giao thương, thì nơi đây có bước phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa được chuyển đi khắp nơi phục vụ người tiêu dùng, chẳng thiếu thứ gì. Riêng với gia đình tôi, doanh thu một năm đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Chứng kiến sự đổi thay của Chiềng Khương, ông Trần Đức Lý, Trưởng bản Tân Lập, vui mừng: Bản có 196 hộ, 819 nhân khẩu, tỷ lệ hộ giàu, khá giả đạt trên 90%, chỉ còn 2 hộ nghèo do mất sức lao động. Bản có 117 hộ kinh doanh, 37 hộ là cán bộ hưu trí, 52 hộ là cán bộ, công chức viên chức; nhiều gia đình đầu tư phát triển kinh tế trang trại và có 10 hộ đầu tư kinh doanh sang nước bạn Lào. Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao; nhiều nhà xây biệt thự, nhà cao tầng, mua sắm ô tô; trường lớp học được đầu tư xây dựng khang trang, con cháu được học hành trong môi trường học tập tốt.

Tuyến đường ở bản Huổi Nhương được bê tông hóa.

Tuyến đường ở bản Huổi Nhương được bê tông hóa.

Rời bản Tân Lập, xe chúng tôi bon bon trên con đường đã được đổ bê tông sạch, đẹp đến bản Huổi Nhương, từng là bản khó khăn nhất của xã Chiềng Khương. Ngược dòng thời gian, nhắc đến Huổi Nhương, nơi có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Khơ Mú, thì có đến 80% hộ nghèo, bởi không có đường giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất manh mún, người dân chỉ biết trồng ngô, lúa. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, giờ đây hệ thống cơ sở hạ tầng được mở rộng, khang trang, giúp người dân đi lại thuận lợi, có thêm điều kiện để giao thương, phát triển kinh tế. Đáng mừng hơn cả là tư duy sản xuất của bà con đã thay đổi, đã biết đưa cây nhãn vào trồng. Với sự quan tâm, hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với những kinh nghiệm do chính những người trồng nhãn đi trước chia sẻ, người dân Huổi Nhưng đã trồng thành công cây nhãn trên diện tích đất dốc. Sự cần cù, yêu lao động đã đem lại trái ngọt.

Anh Lường Văn Phong, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Nhương, vui vẻ thông tin: Bản có 70 hộ với 397 khẩu, giờ đây có đến 95% số hộ với mức thu nhập khá trở lên từ 200-400 triệu đồng/năm, chỉ còn 2 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Cả bản trồng hơn 100 ha nhãn đã cho thu hoạch, ngoài ra trồng thêm 70 ha lúa, 130 ngô đảm bảo lương thực, thức ăn phục vụ chăn nuôi, tổng doanh thu từ sản xuất nông nghiệp của bản năm 2021 đạt trên 2 tỷ đồng. Đời sống ổn định, nhân dân góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới; hệ thống đường nội bản đã được bê tông, cứng hóa.

Không chỉ thay đổi tư duy trong sản xuất, người dân Chiềng Khương còn chủ động liên kết sản xuất bền vững. Tiêu biểu, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương. Từ khi thành lập, HTX đã chú trọng trồng nhãn theo hướng bền vững, áp dụng quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.

Anh Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, cho biết: Cây nhãn được trồng ở Chiềng Khương từ lâu, nhưng chủ yếu quy mô hộ gia đình và theo kiểu mạnh ai người nấy làm. Nhiều gia đình cả năm chăm sóc, nhưng khi đến vụ thu hoạch phải chật vật tìm đầu ra cho quả nhãn và hay rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”. Năm 2017, tôi cùng một số hộ đã liên kết thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, mục đích liên kết, hỗ trợ nhau sản xuất nhãn theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định.

Người dân bản Huổi Nhương phát triển nuôi đại gia súc.

Người dân bản Huổi Nhương phát triển nuôi đại gia súc.

Đến nay, 23 thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc đang có gần 70 ha cây ăn quả; trong đó, 54 ha nhãn đã được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng trung bình đạt hơn 600 tấn quả/năm. Nhãn của HTX được tiêu thụ tại một số tỉnh và thành phố lớn và được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nhiều đối tác đặt hàng xuất khẩu sang Úc. Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19. Song, nhờ sự chủ động phương án, nên toàn bộ 500 tấn nhãn của HTX được tiêu thụ tại thị trường trong nước, xuất khẩu và chế biến thành long nhãn.

Khoe cuốn nhật ký có ghi cẩn thận toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc cây nhãn, anh Nguyễn Văn Chi, thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, nói: Từ khi tham gia HTX, tôi được hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, đến bao tiêu sản phẩm. Hằng năm, còn được tham gia tập huấn hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật thu hoạch, đóng gói theo đúng quy trình hướng dẫn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, nên tôi ghi lại hết vào nhật ký, đến khi cần thực hiện đúng khâu nào, chỉ việc mở ra xem. Hiện, gia đình có 2 ha nhãn đang thời kỳ ra hoa, tôi tuân thủ đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn, đảm bảo năng suất, chất lượng quả nhãn.

Kinh tế - xã hội phát triển, tạo nền tảng vững chắc để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Chiềng Khương chủ động duy trì công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong quản lý bảo vệ an ninh biên giới, từng bước xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác cùng phát triển với nước bạn Lào. Hằng năm, xã duy trì các hoạt động đối ngoại, như phối hợp làm đường giao thông, thủy lợi; tuần tra, bảo vệ hơn 23 km đường biên giới; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho nhân dân nước bạn Lào; đẩy mạnh giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương với các hình thức phù hợp với từng thời điểm và điều kiện thực tế của địa phương. Năm 2021, xã Chiềng Khương đã thăm hỏi, tặng quà các đơn vị phòng, chống dịch Covid-19 tuyến biên giới; tặng 100 tấm lợp fibro xi măng bản Then Luông, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc chăm sóc vườn nhãn.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc chăm sóc vườn nhãn.

Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, thông tin: Với định hướng đúng, trúng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc tích cực của người dân, kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân Chiềng Khương có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng quê. Toàn xã đã có 1.527 ha cây lương thực có hạt, trên 880 ha cây ăn quả, 35 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; có 1 HTX thương mại, 1 HTX xây dựng, 5 HTX nông nghiệp; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,8%; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,65%. Hiện, xã đạt 12/17 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, xã tiếp tục phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí.

Chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm đã giúp Chiềng Khương đạt được kết quả đáng ghi nhận, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tru-phu-vung-dat-bien-cuong-48513