Trụ sở dôi dư sau sáp nhập - Quản lý thế nào? - Bài 4: Ưu tiên cho cơ sở y tế, giáo dục

Bộ Tài chính cho biết, đã hướng dẫn địa phương, bộ, ngành phương án xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp. Theo đó, trụ sở dôi dư được ưu tiên làm cơ sở y tế, giáo dục, thư viện, công viên, thu hồi hoặc cho thuê để khai thác hiệu quả.

Sắp xếp trụ sở công dôi dư đồng thời với sáp nhập

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết: Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố. Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Cụ thể, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương như: thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao. Trụ sở dôi dư sẽ được xử lý một trong các phương án: thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất; giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu bộ ngành, địa phương có nhà đất dôi dư phải xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý tài sản dôi dư. Kế hoạch này cần xác định rõ nội dung công việc, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong từng khâu và tiến độ thực hiện. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đơn vị phải cập nhật thường xuyên các cơ sở nhà đất phát sinh mới vào kế hoạch. Hiện nay, bộ, ngành, địa phương thực hiện bước thứ nhất của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy khi đã rà soát và đưa ra được số liệu đầu tiên về các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, tinh gọn. Dự kiến, các đơn vị báo cáo định kỳ hàng quý để Bộ Tài chính có giải pháp hướng dẫn bộ ngành, địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề nhà đất dôi dư.

Liên quan đến việc hướng dẫn xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Cơ sở nhà đất ở không còn nhu cầu sử dụng, có thể thu hồi, điều chuyển cho đơn vị khác, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý, chuyển giao tổ chức kinh doanh nhà của địa phương khai thác.

Hơn 11.000 cơ sở nhà đất, trụ sở không sử dụng, kém hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Tài chính, dựa trên báo cáo của bộ ngành, địa phương, tính đến cuối năm 2024, cả nước 11.034 cơ sở nhà, đất, trụ sở việc làm không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, có 3.780 cơ sở nhà, đất thì đã có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Trong danh sách các cơ sở nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả này chủ yếu là cơ sở giáo dục ở những nơi có sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cư M’gar cũ (Đắk Lắk) sau sáp nhập được bán đấu giá không thành nay bị bỏ hoang. Ảnh: Huỳnh Thủy

Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cư M’gar cũ (Đắk Lắk) sau sáp nhập được bán đấu giá không thành nay bị bỏ hoang. Ảnh: Huỳnh Thủy

Nhằm đảm bảo hiệu quả việc xử lý trụ sở công dôi dư, Bộ Tài chính giao UBND cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý (gồm huyện và xã) để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan có liên quan xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định.

Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổ công tác để làm trung tâm điều phối, tiếp thu ý kiến từ bộ, ngành, địa phương trong quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư sau sáp nhập.

Liên quan đến dự án đầu tư công đang triển khai trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, gặp vướng mắc cần hướng dẫn, ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Tài chính) cho biết, trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn (văn bản 259 ngày 10/1/2025 hướng dẫn về chuyển tiếp, quản lý các chương trình nhiệm vụ dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ).

Theo đó, với trường hợp bộ ngành sáp nhập toàn bộ, sáp nhập một phần, người đứng đầu của bộ mới hình thành sau hợp nhất có trách nhiệm thực hiện chức năng, thẩm quyền cấp quyết định đầu tư đối với toàn bộ chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công của 2 bộ ban đầu.

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội (ngày 17/4), Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở vấn đề ưu tiên cải tạo trụ sở dôi dư thành trường học hoặc làm nơi khám chữa bệnh cho người dân. Ngày 14/4, chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, ưu tiên cơ sở vật chất dôi dư cho y tế, giáo dục, văn hóa, phục vụ mục đích công ích, công cộng.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-quan-ly-the-nao-bai-4-uu-tien-cho-co-so-y-te-giao-duc-post1740263.tpo