Trực diện những vấn đề thực tiễn đang đặt ra
Bước vào phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, với tinh thần 'nhìn thẳng, nói thật', đã có 17 ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết đối với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Đây là nguồn tham khảo quan trọng để UBND tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ như kỳ vọng.
Đánh giá khách quan bức tranh kinh tế - xã hội
Thảo luận về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, đa số đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả ấn tượng với nhiều chỉ tiêu quan trọng tỉnh đạt và vượt kế hoạch, trong đó, một số chỉ tiêu đứng tốp đầu của cả nước. Bên cạnh những điểm nhấn nổi bật, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, thách thức với tinh thần không “tô hồng” thành tựu, không “bôi đen” hạn chế, khuyết điểm như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã quán triệt.
Theo Giám đốc Sở NN - PTNT Cao Văn Cường: Năm 2023, ngành nông nghiệp dù đạt nhiều thành tựu nhưng chưa có sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để quảng bá giới thiệu và cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng bảo quản, chế biến nông sản còn thấp so với vùng nguyên liệu hiện có. Sản phẩm chế biến đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao. Liên kết trong sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều.
Xuất phát từ thực tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Tiến Đoan cho rằng, dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh đang bị ngưng trệ, trong khi các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thừa tiền thì doanh nghiệp lại “đói vốn”. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những cơ chế, chính sách kịp thời, nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ này rất hạn chế vì kèm theo nhiều điều kiện không thể đáp ứng được. Cùng với đó, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp cần sớm được khắc phục như: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng...
Nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, năm 2023, một số chỉ tiêu vốn là nền tảng căn bản thúc đẩy sự phát triển như cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tổng giá trị xuất khẩu, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tổng huy động vốn đầu tư phát triển... vẫn chưa đạt kế hoạch; tiến độ thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa bảo đảm theo yêu cầu; tiến độ đầu tư nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm và thiếu đồng bộ; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động khá lớn; sự phối hợp giữa một số đơn vị trong giải quyết công việc chưa chặt chẽ, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; năng lực của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công…
Bàn “kế sách” đẩy mạnh tăng trưởng
Trước những khó khăn, hạn chế và thách thức đã được chỉ rõ, đại biểu HĐND tỉnh tập trung “hiến kế” để tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 đạt mục tiêu 11% trở lên. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Minh Nghĩa, tỉnh cần triển khai quyết liệt công tác thu hồi các dự án chậm tiến độ; xử lý nghiêm các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương nhưng không đầu tư, hoặc đầu tư chậm, cầm chừng. Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... nhiệm vụ này phải có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, các địa phương.
Về nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước, trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là các “điểm nghẽn” trong hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công chậm, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản trầm lắng... Để hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2024, Cục trưởng Cục Thuế Ngô Đình Hùng đề nghị UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ “3 động lực” tăng trưởng. Đó là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển thị trường bất động sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, có khả năng tạo bước tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến chỉ số cải cách hành chính năm 2023 tụt giảm, xếp thứ hạng thấp so với cả nước, đại biểu Cao Tiến Đoan đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đối với nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần chú trọng đến việc đã có bao nhiêu doanh nghiệp được thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam đánh giá cao tinh thần “nhìn thẳng, nói thật” của các đại biểu HĐND tỉnh. “Chỉ trong buổi chiều, đã có 17 ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Đây sẽ là nguồn tham khảo quan trọng để UBND tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ như kỳ vọng” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam nhấn mạnh.