Hình ảnh đầu tiên từ Rào Trăng 3 "Đường vào Rào Trăng sạt lở hàng chục km, nhiều nhà đổ sụp, trực thăng thả hàng tiếp tế ở độ cao 30 m", thiếu tướng Phạm Trường Sơn chia sẻ.
Sáng 14/10, Sư đoàn 372 (đóng tại Đà Nẵng) điều động 2 máy bay trực thăng ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) để tham gia tìm kiếm 30 nạn nhân tại Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Đại tá Vũ Hồng Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372 cùng một số chỉ huy đơn vị đang có mặt ở sở chỉ huy tiền phương (đóng tại xã Phong Xuân) để họp bàn về phương án tiếp cận mục tiêu.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, chỉ huy trực thăng vào Rào Trăng.
8h sáng 14/10, thợ máy kiểm tra máy bay trước khi cất cánh. Trực thăng tham gia cứu hộ là Mi-171E (phiên bản đời mới của dòng Mi 8) với khoang chứa rộng, mang theo được tối đa 26 hành khách hoặc 12 cáng cứu thương.
Mi-171E cũng được trang bị hệ thống dây tời để đặc nhiệm đổ bộ hoặc cứu hộ cứu nạn. Trong hình là tổ công tác đang thảo luận trước lúc cất cánh.
Nhóm cứu hộ vẽ đường bay vào Rào Trăng 3.
Các lực lượng tham gia cứu hộ thảo luận đường bay an toàn nhất để tiếp cận các địa điểm có nạn nhân.
Các bộ đội tham gia cứu hộ đưa thiết bị, thực phẩm lên máy bay.
Hiện có 30 người ở thủy điện Rào Trăng 3 mất liên lạc. Trong đó có 17 công nhân và 13 người trong đoàn cứu hộ.
9h20 trực thăng đầu tiên khởi động máy và cất cánh.
Chiếc Mi-171E hướng thẳng Rào Trăng 3.
9h45 trực thăng bay qua bầu trời xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Việt Linh.
11h, chuyến bay đầu tiên trở về sau khi thị sát địa hình và thả hàng cứu trợ.
Có 3 phương án tiếp cận mục tiêu là đi theo tuyến đường 71, đi đường thủy từ nhà máy thủy điện Hương Điền và điều động máy bay trực thăng. Ảnh: Hiếu Duy.
Quân đội điều trực thăng vào Rào Trăng 3 Lực lượng cứu hộ đã sẵn sàng vào hiện trường vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, tìm nạn nhân mất tích.
Đoàn Nguyên - Việt Hùng - Hoài Thanh