Trực thăng mini của NASA sẵn sàng thực hiện chuyến bay đầu tiên trên sao Hỏa
Theo kế hoạch, trực thăng mini Ingenuity sẽ cất cánh trên bầu khí quyển của sao Hỏa vào ngày 8/4.
Trước khi tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa và thu thập các mẫu vật đưa về trái đất, robot thám hiểm Perseverance của NASA sẽ thực hiện phần việc được coi là thú vị nhất về mặt kỹ thuật trong sứ mệnh của mình: điều khiển một chiếc trực thăng.
Video mô phỏng chuyến bay thử nghiệm của trực thăng Ingenuity trên sao Hỏa. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.
Perseverance đã hạ cánh trên sao Hỏa vào tháng 2 vừa qua, cùng với chiếc trực thăng mini Ingenuity nặng hơn 1,8kg được gắn ở phần bụng. Các quan chức NASA hôm 23/3 cho biết, họ đã lựa chọn địa điểm cho chuyến bay lượn ngoài trái đất của trực thăng này, đó là khu vực ở phía bắc nơi Perseverance hạ cánh. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Havard Grip – kỹ sư NASA – người đảm nhận vai trò điều khiển chính cho các chuyến bay của Ingenuity cho biết: “Đây phải là khu vực tương đối bằng phẳng, ít chướng ngại vật, ít các tảng đá lởm chởm có thể gây nguy hiểm cho chiếc trực thăng trong quá trình hạ cánh”.
Perseverance đã bay qua khu vực này và bây giờ sẽ quay trở lại nơi đó. Nó sẽ thả trực thăng xuống một cách cẩn thận và sau đó lùi ra xa để quan sát các chuyến bay từ khoảng cách hơn 60m. Theo kế hoạch, Ingenuity sẽ cất cánh trên bầu khí quyển của sao Hỏa vào ngày 8/4. Tuy nhiên, công việc này có thể được thực hiện sớm hoặc muộn hơn một vài ngày.
Lori Glaze, giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA cho biết, Ingenuity sẽ có 30 ngày trên sao Hỏa (tương đương 31 ngày Trái Đất) để cố gắng trở thành chiếc trực thăng đầu tiên bay trên hành tinh khác. Nó không có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu khoa học mà chủ yếu tập trung vào việc thử nghiệm công nghệ mới”. Các quan chức NASA đã so sánh sự kiện này với "khoảnh khắc anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên của loài người".
Cơ quan này tiết lộ Ingenuity mang theo một hiện vật của chiếc máy bay đầu tiên của nhà Wright cất cánh tại Kitty Hawk, N.C., vào năm 1903. Tiến sỹ Balaram cho biết: “Chúng tôi rất tự hào để vinh danh chiếc máy bay thử nghiệm của nhà Wright bằng việc mang theo một hiện vật nhỏ của nó lên sao Hỏa”. “Hiện vật có kích cỡ bằng một con tem bưu chính, được gắn vào sợi cáp đặt ở mặt dưới của tấm pin mặt trời”, ông Balaram cho biết thêm.
Về cơ bản, Ingenuity giống như một bản sao cải tiến của Sojourner - tàu thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của NASA, hạ cánh năm 1997, có nhiệm vụ thử nghiệm các công nghệ mới, mở đường cho việc phát triển máy bay cho các nhiệm vụ tương lai. Thân của Ingenuity có kích thước nhỏ như một quả bóng mềm với 4 chiếc chân khẳng khiu. Nó có 4 cánh bằng sợi carbon. Các cánh nằm giữa hai động cơ rotor, quay theo hướng ngược nhau để tạo ra lực đẩy. Nó cũng được trang bị 2 camera, máy tính và cảm biến điều hướng. Ingenuity dùng pin mặt trời, do đó có thể sạc lại pin.
Thực hiện sứ mệnh to lớn
Ingenuity sẽ thực hiện tất cả 5 chuyến bay. Ba chuyến đầu nhằm kiểm tra các khả năng cơ bản của chiếc trực thăng này. Hai chuyến cuối cùng là để xem xét nó có thể bay được bao xa. Trong lần cất cánh đầu tiên, Ingenuity sẽ bay cao 2,7 m lên không trung, lơ lửng tại chỗ trong 30 giây, chuyển hướng và sau đó hạ cánh trở lại trên bề mặt sao Hỏa. Ingenuity được gắn chip xử lý hiện đại, nên có khả năng tính toán rất cần thiết cho chức năng điều hướng và xử lý hình ảnh.
Bay trên sao Hỏa không phải là nhiệm vụ dễ dàng do không có nhiều không khí để đẩy vào động cơ giúp tạo ra lực nâng. Ở bề mặt sao hỏa, lớp khí quyển chỉ dày bằng 1/100 so với Trái Đất. Lực hấp dẫn ở sao Hỏa chỉ bằng 1/3 trên Trái đất nên Ingenuity sẽ được trợ giúp khá nhiều. Các chuyên gia cho biết, cất cánh từ bề mặt sao Hỏa có thể tương đương với việc bay ở độ cao hơn 30.480m trên Trái Đất. Hiện không có máy bay trực thăng nào hiện nay có thể bay được ở độ cao như vậy.
Hơn nữa, vào ban ngày, bề mặt sao Hỏa chỉ nhận được lượng ánh sáng từ Mặt Trời bằng một nửa so với Trái Đất, còn vào ban đêm, nhiệt độ có thể xuống thấp tới - 90 độ C, có thể đóng băng và làm nứt vỡ các bộ phận điện tử nếu chúng không được bảo vệ.
Perseverance hạ cánh trên miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa vào ngày 18/2. Con tàu này đã ghi lại được những âm thanh chân thật khi di chuyển trên địa hình đầy đá của sao Hỏa. Trong đoạn clip âm thanh, có thể nghe thấy tiếng gió thổi và những âm thanh cơ học phát ra từ chính robot.
Nhà khoa học Kenneth Farley cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang diễn ra rất suôn sẻ”. Theo ông Farley, các nhà khoa học đã phát hiện dấu hiệu xói mòn do gió gây ra trên một số tảng đá. Nhiều tảng đáng khác giống như thể được hình thành do sự lắng đọng từ lớp trầm tích của nước. Việc thu thập các dữ liệu khoa học và khám phá sao Hỏa sẽ được bắt đầu vào đầu mùa hè này sau khi Ingenuity kết thúc quá trình bay thử nghiệm. Nếu Ingenuity thực hiện các chuyến bay thành công thì điều này có thể mở đường cho việc chế tạo các máy bay tiên tiến hơn, có người lái hoặc không người lái, giúp thực hiện nhiệm vụ tương lai tới sao Hỏa, NASA cho biết./.