Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter (Thợ săn đêm) sẽ có khả năng tiêu diệt không chỉ mục tiêu trên mặt đất, mà còn bao gồm cả những đối tượng trên không.
Viễn cảnh trên được đánh giá hoàn toàn khả thi, do Thợ săn đêm vừa nhận được tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại R-74M, có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không ở cự ly trên 40 km.
Bên cạnh đó, tính năng tác dụng của loại đạn không chiến này còn cho phép đánh chặn tên lửa hành trình, thậm chí bắn trúng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-22 hay F-35 nếu chúng tiếp cận trong phạm vi gần.
Tạp chí National Interest của Mỹ nhấn mạnh: “Tên lửa không đối không R-74M ban đầu khi được phát triển đã có tính đến khả năng tiêu diệt các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35 Lightning II và F-22 Raptor”.
“Trực thăng tấn công mặc dù không được thiết kế để chiếm ưu thế trên không, nhưng hiện tại Nga đã tích hợp cho máy bay lên thẳng của họ tên lửa không đối không, điều này rõ ràng mang lại bất lợi cho trực thăng AH-64 Apache Mỹ”.
Trong tương lai, Nga hoàn toàn có thể nghiên cứu tích hợp cho trực thăng Mi-28NM Night Hunter một loại radar dẫn bắn với tính năng tương tự Zhuk-A trang bị cho Ka-52M Super Alligator.
Nhờ khí tài nói trên, khi đó Thợ săn đêm sẽ tận dụng được hết tầm bắn của tên lửa R-74M, thậm chí còn mang được cả tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn để đối đầu sòng phẳng tiêm kích địch.
Trên thực tế, phiên bản hiện đại hóa của trực thăng vũ trang do Nga chế tạo đã trở thành một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thực sự.
Mặc dù tầm bắn đối với các mục tiêu trên không của Mi-28NM là tương đối ngắn, nhưng vẫn là quá đủ để tiêu diệt máy bay địch chỉ được trang bị tên lửa tầm ngắn, bên cạnh đó nó hoàn toàn có thể tiêu diệt máy bay ném bom và máy bay không người lái đối phương.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng trang bị tên lửa không đối không tầm xa cho trực thăng vũ trang là vô cùng phí phạm.
Lý do là bởi với khả năng cơ động hạn chế và diện tích phản xạ radar lớn, trực thăng tấn công không thể đối đầu với tiêm kích tiền tuyến, tên lửa đối không trang bị cho máy bay lên thẳng chỉ nên là loại vác vai như Igla hoặc R-60 tầm ngắn mà thôi.
Nhưng bên cạnh đó cũng phải nhắc lại truyền thống của phương tiện tác chiến do Nga chế tạo, đó là chúng luôn được trang bị tên lửa có tầm bắn lớn hơn nhiều so với đối phương.
Dĩ nhiên thông số tầm bắn tối đa và tầm bắn hiệu quả là hai vấn đề khác nhau, tuy nhiên đây có thể là cách “đi tắt đón đầu” của Nga, nhằm chuẩn bị cho tương lai, khi thiết bị trinh sát có tầm hoạt động xa hơn để dẫn bắn cho tên lửa.
Ngoài tên lửa không đối không R-74M, trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter còn mới đưa vào kho vũ khí trang bị của mình một loại đạn tầm xa vô cùng lợi hại khác, đó chính là tên lửa không đối đất Izdeliye 305 (Sản phẩm 305).
Theo Việt Dũng/ANTĐ