Trùm bảo kê Hưng 'kính' chết, 4 'đàn em' bị xử thế nào?
Sau khi Hưng 'kính' chết, câu hỏi về việc 4 đối tượng còn lại trong vụ án bảo kê tại chợ Long Biên sẽ bị xử như thế nào đang là mối quan tâm lớn của dư luận.
Ngày 14/8 vừa qua, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã xác nhận về việc Hưng "kính" tử vong khi được đưa vào viện từ trại giam T16 Bộ Công an.
Ông Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân Nguyễn Kim Hưng (56 tuổi) nhập viện lúc 0h10 phút ngày 13/8, cấp cứu tại khoa nội B trong tình trạng lơ mơ mệt mỏi, khó thở, không tỉnh táo. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối.
Sau khi về khoa nội B, Nguyễn Kim Hưng đã được điều trị tích cực nhưng đến 9h sáng ngày 14/8 thì bệnh trở nặng. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi, tử vong vào lúc 11h30 phút trưa cùng ngày.
Sáng cùng ngày, đơn xin rút kháng cáo kêu oan của Hưng "kính" đã được chuyển đến TAND TP Hà Nội. Nhiều người quan tâm đặt câu hỏi, là việc Nguyễn Kim Hưng qua đời ảnh hưởng thế nào đến diễn biến sau này của vụ án bảo kê chợ Long Biên.
Trước đó vào sáng ngày 26/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Kim Hưng 48 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Tiến (tức "Tiến Hói", 49 tuổi) lĩnh 36 tháng tù. Bị cáo Lê Thanh Hải (tức "Hải Gió", 56 tuổi), Nguyễn Mạnh Long (tức "Long Cao", 57 tuổi) và Dương Quốc Vương (tứ "Vương Lợn", 51 tuổi) cùng nhận mức án 42 tháng tù.
Theo đó Nguyễn Kim Hưng là tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, được xác định là người cầm đầu.
Từ ngày 14/3/2018 đến 1/9/2018, Nguyễn Kim Hưng cùng 4 đối tượng nói trên đã có hành vi ép buộc tiểu thương ở chợ Long Biên đóng tiền bảo kê.
Theo quy định của Ban Quản lý chợ Long Biên, nhóm Hưng “kính” không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, phải thực hiện việc ghi tên chủ hàng, biển kiểm soát ô tô, số lượng hàng và số tiền thu vào mẫu do Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành.
Hưng "kính" phải thực hiện đúng hợp đồng bốc dỡ giữa các hộ kinh doanh với Ban Quản lý chợ, không có quyền đuổi xe, sắp xếp xe trong chợ, không có tiền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.
Tuy nhiên, để trục lợi cá nhân, dưới danh nghĩa nhân viên tổ bốc xếp số 2, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo đàn em sử dụng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa bắt các hộ tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp tiền bảo kê.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (VPLS Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bị cáo tử vong khi vụ án đang trong giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử với riêng người đó.
Mặt khác, Nguyễn Kim Hưng đã rút đơn kháng cáo trước khi qua đời nên theo Khoản 2 Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa phúc thẩm sẽ hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo.
"Nguyễn Kim Hưng không hành động một mình. Trong vụ án bảo kê tại chợ Long Biên, Hưng là chủ mưu cho 4 đàn em còn lại thực hiện hành vi phi pháp. Lời khai, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Hưng "kính" đã được tòa sơ thẩm nhận định trong bản án. Các bị cáo còn lại vẫn phải tiếp tục xét xử và thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật" - ông Hải nói.
Theo khoản 5 Điều 32 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định: khi người đang bị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù chết , UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và Tòa án đã ra quyết định thi hành án.
Đối với bồi thường trách nhiệm dân sự, sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án vẫn xem xét thực thi nhiệm vụ dù bị cáo đã qua đời.
Xem thêm: Hé lộ nguyên nhân cái chết của Hưng "kính" - Trùm bảo kê chợ Long Biên