Trùm bảo kê Hưng 'kính' tử vong, việc thi hành án được thực hiện ra sao?

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, trưa 14/8, ông trùm bảo kê chợ Long Biên, Hà Nội Nguyễn Kim Hưng (còn gọi là Hưng 'kính') đã tử vong. Liên quan đến sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi 'theo quy định hiện hành, việc thi hành án của bị cáo này và các đồng phạm trong vụ án sẽ được thực hiện như thế nào'?

Được biết, bị cáo Nguyễn Kim Hưng nhập viện Đa khoa Hà Đông vào 23h đêm 13/8 với chẩn đoán xơ gan. Sau quá trình điều trị tích cực, Hưng “kính” đã không qua khỏi.

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, sau khi phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do Hưng “kính” và đồng phạm kết thúc, tòa án đã nhận được đơn kháng cáo.

Theo quy định của Bộ luật TTHS, bị cáo tử vong khi vụ án đang trong giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử với riêng người đó. Quyết định đình chỉ phải nêu rõ lý do và căn cứ đình chỉ. Các bị cáo còn lại vẫn phải tiếp tục xét xử và thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") tại phiên tòa sơ thẩm

Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt “Hưng “kính” 48 tháng tù giam và Hưng “kính” đã có đơn kháng cáo. Nếu bị cáo này đã rút đơn kháng cáo trước khi qua đời thì theo Khoản 2 Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa phúc thẩm sẽ hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Kim Hưng.

“Vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Nguyễn Kim Hưng là vụ án có đồng phạm. Do đó, việc đình chỉ thi hành án chỉ áp dụng đối với Hưng “kính”. Nếu có người nào trong số các bị cáo liên quan kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị thì bản án sơ thẩm này chưa có hiệu lực. Do đó, vụ án vẫn được tiếp tục giải quyết phúc thẩm để xử lý đối với các đồng phạm khác theo quy định pháp luật” - Luật sư Tiến Hòa nhận định.

Mặt khác, mặc dù bị cáo Nguyễn Kim Hưng đã chết nhưng trách nhiệm dân sự vẫn được cơ quan thi hành án xem xét sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Còn về các trường hợp người đang chấp hành án phạt tù có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết thêm, theo Khoản 1 Điều 68 BLHS 2015, người bị bệnh nặng thì được hoãn thi hành án phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.

Như vậy, người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành hình phạt tù được và nếu để tiếp tục chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, khi người đang bị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù chết, theo Khoản 5 Điều 32 Luật thi hành án hình sự 2010, UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và Tòa án đã ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan có liên quan và Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/trum-bao-ke-hung-kinh-tu-vong-viec-thi-hanh-an-duoc-thuc-hien-ra-sao/821674.antd