'Trùm' kim cương tìm lối thoát giữa khủng hoảng

Với 25% GDP đến từ kinh doanh kim cương, kinh tế Botswana đang đứng trước nguy cơ suy thoái khi giá kim cương thế giới lao dốc mạnh.

 Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi cầm viên kim cương 2.492 cara tại văn phòng ở Gaborone vào ngày 22/8. Ảnh: AFP.

Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi cầm viên kim cương 2.492 cara tại văn phòng ở Gaborone vào ngày 22/8. Ảnh: AFP.

“Tôi thấy những con đường đang được xây dựng, tôi thấy bệnh viện và tôi thấy những đứa trẻ đang đến trường”, Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi nhận định về viên kim cương 2.492 carat được phát hiện vào tháng 8 tại mỏ Karowe ở miền Trung nước này.

Theo Le Monde, ông Masisi đã giới thiệu viên đá quý trị giá hơn 40 triệu USD với truyền thông vào ngày 22/8. Các chuyên gia cho biết đây là viên kim cương lớn thứ 2 từng được tìm thấy và lớn nhất trong vòng 1 thế kỷ qua.

Sự kiện này là một phần trong nỗ lực quảng bá ngành công nghiệp kim cương của chính phủ Botswana, nhằm duy trì nguồn thu nhập quan trọng trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn.

Botswana nằm ở miền nam châu Phi, rộng khoảng 581.730 km2 với dân số 2,7 triệu người. Đây là nước sản xuất kim cương lớn thứ 2 thế giới sau Nga. Đá quý đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu, 1/3 doanh thu thuế và 1/4 GDP, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ngành công nghiệp kim cương, trụ cột của nền kinh tế quốc gia này, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh từ kim cương tổng hợp và suy giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế. Ước tính, giá kim cương đã giảm khoảng 30% kể từ năm 2022.

“Kim cương nhân tạo đã phá vỡ giá thị trường và ngày càng rẻ hơn”, Duncan Money, chuyên gia về ngành khai khoáng nhận định.

Điều này tạo áp lực rất lớn lên chính phủ Botswana trong việc tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Khủng hoảng của ngành kim cương còn nghiêm trọng hơn khi tập đoàn khai thác Anglo American có ý định bán 85% cổ phần của mình tại De Beers, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới. 15% còn lại thuộc sở hữu của Debswana, liên doanh giữa De Beers và chính phủ Botswana.

Quốc gia nằm ở miền nam châu Phi này rất quan trọng đối với De Beers vì 70% kim cương của họ được sản xuất tại đây. “De Beers và chính phủ Botswana phụ thuộc lẫn nhau”, Ducan Money khẳng định.

Theo Ngân hàng Botswana, doanh số kim cương thô của Debswana giảm 49,2% trong nửa đầu năm 2023, từ 2,54 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,29 tỷ USD.

Suy thoái ngành kim cương buộc Botswana phải tìm kiếm thêm nguồn thu từ tài nguyên khác. Tổng thống Masisi đã buộc De Beers phải tái đàm phán thỏa thuận bán kim cương, tăng tỷ lệ chia sẻ sản lượng của Botswana từ 25% lên 50%.

Cùng với đó, tháng trước Botswana nêu ý định đàm phán lại đề xuất mua cổ phần của công ty kinh doanh đá quý HB Antwerp (Bỉ) để tăng gấp đôi sở hữu. Bộ trưởng Khai khoáng Lefoko Moagi nói thị trường kim cương suy yếu làm ảnh hưởng đến định giá HB Antwerp.

“Chúng ta sẽ không bơm thêm vốn nhưng nhận được nhiều cổ phần hơn với cùng số tiền đề xuất vào năm 2023. Thay vì 24%, chúng ta sẽ đàm phán để nhận được 49,9%”, ông nói. Họ dự chi 65,95 triệu USD cho thương vụ.

Mặc dù sở hữu các nguồn tài nguyên quý như đồng, niken và mangan, các chuyên gia nhận định rằng trữ lượng này vẫn không đủ để Botswana bù đắp những tổn thất từ sự sụt giảm của ngành kim cương.

Để chuẩn bị cho thời kỳ hậu kim cương, Botswana đã thành lập Quỹ Pula vào năm 1993 để đầu tư vào nguồn thu thặng dư từ đá quý. Hiện, quỹ này đang quản lý danh mục đầu tư trị giá 4,1 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ PriceScope, nền tảng theo dõi hơn 1 triệu viên kim cương toàn cầu, giá kim cương đã giảm liên tục trong 3 tháng gần đây.

Đến tháng 9, giá trung bình cho mỗi carat của một viên kim cương tròn kích thước 1-1,19 carat màu G độ trong VS1 là 5.699 USD, giảm từ mức 5.999 USD của tháng trước. Cụ thể, giá kim cương tròn đã giảm trung bình 5% cho mỗi carat.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/trum-kim-cuong-tim-loi-thoat-giua-khung-hoang-post1499458.html