Trùm phát xít Đức bị lộ danh tính chỉ vì con dấu giả
Tài liệu quan trọng phục vụ quá trình bắt giữ trùm phát xít Đức Heinrich Himmler đã được đưa ra ánh sáng 75 năm sau khi nhân vật này qua đời.
Vào ngày 22/5/1945, ba người đàn ông với dáng vẻ kỳ lạ bị một đội tuần tra phát hiện ở gần trạm kiểm soát ở Bremervorde, miền Bắc nước Đức.
Tại thời điểm đó, Thế chiến II mới chỉ kết thúc vài tuần, nhiều quân phát xít vẫn đang tự do, làm dấy lên mối lo ngại chúng có thể tập hợp lại hoặc trốn thoát.
Giấy tờ giả
Hai trong số họ, mặc áo choàng dài màu xanh lá, đi trước người thứ ba. Người đi sau, bịt một bên mắt, trông rệu rã và nhăn nhó. Hai kẻ phía trước chứ chốc chốc lại quay lại, như thể để kiểm tra chắc chắn rằng ông ta vẫn còn đó.
Họ được đưa đến một trạm kiểm soát nơi lính Anh yêu cầu họ xuất trình giấy tờ. Họ đã nộp những giấy tờ cỡ A4 mà những người lính Đức được cấp vào cuối Thế chiến, trong đó có ghi tên, cấp bậc, ngày sinh và các thông tin khác. Giấy tờ của người đàn ông thứ ba ghi ông ta là trung sĩ Heinrich Hizinger.
Nhân vật hẳn đã hy vọng tờ giấy ghi cấp bậc thấp sẽ giúp nhân vật dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát. Nhưng y đã lầm.
Trên tài liệu có đóng dấu cùng chi tiết đơn vị mà tình báo quân đội Anh đã thấy các binh sĩ Quân áo đen đang chạy trốn sử dụng. Họ ngay lập tức bị bắt giữ và đưa đến trại tạm giam vào sáng hôm sau.
Đến nơi, Hizinger yêu cầu được gặp một sĩ quan cao cấp. Mặc dù người ta chưa nhận ra, y sợ không thể che giấu được lâu và hy vọng có thể thương lượng để thoát khỏi tình thế này. Vì vậy, y cởi bịt mắt và bình tĩnh tiết lộ danh tính thật của mình.
Đây là Heinrich Himmler, cựu thủ lĩnh Quân áo đen và cũng là một nhân vật chủ chốt đứng sau cuộc Đại diệt chủng Holocaust.
Nhiều di vật bị mất
Sau cái chết của Hitler, y trở thành một trong những tên phát xít còn sống bị truy nã gắt gao nhất, chịu trách nhiệm về hàng loạt tội ác khủng khiếp của Đức Quốc xã.
Đội Anh bắt đầu tra hỏi để xác nhận danh tính. Vài giờ sau, một nhân viên y tế, đại úy Wells, được lệnh kiểm tra Himmler. Khi kiểm tra đến khoang miệng, anh thấy một vật nhỏ có đầu màu xanh được giấu trong má.
Khi đại úy Wells cố gắng lấy nó ra, Himmler chống cự lại bác sĩ và cắn nát vật đó giữa hai hàm răng. Đó là một viên nang chứa xyanua. Y chết vài phút sau đó.
Himmler đã bị lộ vì con dấu giả mà chính người của y đóng vào các giấy tờ. Các giấy tờ này đã được giấu kín suốt 75 năm qua, nhưng giờ đây đã được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên sau khi được tặng cho Bảo tàng Tình báo Quân đội Anh ở Shefford, Bedfordshire.
Bên cạnh các giấy tờ là món đồ khá kỳ lạ, chiếc đai quần Himmler đang mặc khi y bị bắt.
Việc săn đồ cổ làm lưu niệm khá phổ biến và nhiều vật dụng cá nhân của Himmler đã bị lấy mất (một trong những trung sĩ tham gia vụ bắt giữ đã lấy đôi dép của Himmler, một người khác lấy chai bọt cạo râu và lưỡi dao cạo).
Các tài liệu và giấy tờ trên đã được cháu gái lớn của trung tá Sidney Noakes quyên tặng.
Noakes, sinh năm 1905, là một luật sư gia nhập Quân đoàn Tình báo năm 1943 nhưng được biệt phái đến MI5.
Phần lớn công việc của ông tại MI5 vẫn được giữ bí mật, nhưng sau chiến tranh, ông trở lại làm luật sư, cuối cùng trở thành một Thẩm phán Tòa án địa phương. Ông mất năm 1993.
Vậy làm sao ông ấy lại có các giấy tờ này?
Các tài liệu mô tả chi tiết về vụ bắt giữ đã đề cập đến "một cuộc thẩm vấn nhẹ nhàng" với Himmler thực hiện bởi các sĩ quan MI5 trước cuộc kiểm tra y tế cuối cùng. Các sĩ quan này, theo quy ước, không được tiết lộ danh tính.
"Giả thiết hợp lý là ông ấy là một trong những người thẩm vấn của MI5," Bill Steadman, quản lý Bảo tàng Tình báo Quân đội nói. "Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ cách nào khác mà ông ấy có thể có được chúng".
Ông tin rằng Noakes có thể đã được cấp trên cho phép giữ các tài liệu sau khi có được thông tin cần thiết.
Các tài liệu này được Noakes và gia đình ông cất giữ cho đến khi được quyên tặng gần đây. Chúng sẽ được trưng bày sau khi bảo tàng mở cửa trở lại.
Những vật chứng này giải thích một phát xít cấp cao đã bị bắt như thế nào.
Bill Steadman nói: "Nếu không có con dấu đáng nguyền rủa này trên giấy tờ, có thể Himmler đã đi qua trạm kiểm soát mà không bị chú ý và trốn thoát như nhiều tên phát xít bị truy nã khác”.
"Điều hay nhất về câu chuyện này là chính những gì người Đức dùng để ngụy trang tài liệu đã khiến tên phát xít bị lột trần".