Trung Á: 'Điểm nóng' mới trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ đặc biệt, vừa hợp tác và vừa đối đầu. Lúc này hai nước đang leo thang tranh giành ảnh hưởng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ giàu tài nguyên ở Trung Á, một khu vực địa chính trị phức tạp cũng đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc và Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo trong cuộc gặp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AP

Bài liên quan

Lực lượng của Nga ở biên giới Ukraine nhiều nhất kể từ năm 2014

Tổng thống Erdogan kêu gọi EU đối thoại, nói về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu

Thỏa thuận Karabakh: Nga 'vẽ' cho Thổ Nhĩ Kỳ một lằn ranh đỏ ở sườn phía nam

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á

Trong một hội nghị thượng đỉnh diễn ra trực tuyến vào cuối tháng trước của Hội đồng hợp tác các quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, còn được gọi là Hội đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lập luận về việc chính thức nâng cấp nhóm này thành một tổ chức quốc tế, với lý do "uy tín quốc tế đáng kể".

"Những thay đổi mà thế giới đang đối mặt khiến các cấu trúc hợp tác như Hội đồng Turkic trở nên quan trọng hơn", ông Erdogan nói.

Với các thành viên Azerbaijan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, hội đồng nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ về sắc tộc, văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ.

Đây cũng là phương tiện quan trọng để Ankara xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia này trong cuộc chiến giằng co với Nga, vốn đã kiểm soát họ từ thời Liên Xô và không có thiện cảm với một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở sân sau của Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân đội Azerbaijan trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào mùa thu năm ngoái tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, giúp Azerbaijan chiến thắng trước Armenia và củng cố vai trò lãnh đạo của Ankara trong khu vực.

Tổng thống Erdogan đã tận dụng cơ hội này để tiến hành chiến dịch ngoại giao với các quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Trung Á. Một số quốc gia trong số này, vẫn đang có nền kinh tế và chính trị còn đang yếu kém trong ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, đang trông chờ vào sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ để củng cố tiềm lực.

Turkmenistan là quốc gia nổi bật trong cuộc đua tranh giành quyền lực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã dựa vào quốc gia "trung lập vĩnh viễn" để tham gia Hội đồng Turkic, nhằm nâng cao vị thế quốc tế của hội đồng, và dường như cũng đặt tầm nhìn vào trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên rộng lớn ở Biển Caspi.

Azerbaijan và Turkmenistan, vốn đã xung đột về quyền sở hữu một mỏ dầu và khí đốt ở Biển Caspi kể từ khi Liên Xô tan rã, đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về phát triển chung vào tháng Giêng. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã nhanh chóng đề xuất tham gia vào các dự án phát triển năng lượng chung và đề nghị xuất khẩu dầu và khí đốt thông qua các đường ống của mình, tìm cách trở thành một trung tâm vận chuyển năng lượng.

Cờ Azerbaijan trên giàn khoan dầu ở Biển Caspi: Azerbaijan và Turkmenistan đã đạt được thỏa thuận vào tháng 1 để cùng phát triển một mỏ dầu ở Biển Caspi - Ảnh: Reuters

Nga đối đầu với các thách thức

Trong khi đó, Nga cũng đang chứng tỏ để giành vai trò ảnh hưởng quan trọng tại Turkmenistan.

Một ủy ban kinh tế Nga-Turkmen đã tổ chức cuộc họp vào cuối tháng trước bao gồm chương trình hợp tác song phương đến năm 2023. Cơ quan này đáng chú ý có sự góp mặt của con trai Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov, người được cho là sẽ kế nhiệm ông và được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng vào tháng Hai. Tham mưu trưởng quân đội hai nước cũng đã gặp nhau vào ngày 1 tháng 4 để thảo luận về hợp tác kỹ thuật chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, hiện tại Turkmenistan phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi kiếm phần lớn doanh thu từ nhập khẩu khí đốt tự nhiên ở đó. Bằng cách xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Ashgabat, Moscow tìm cách kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Á, thể hiện rõ trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

Nga cũng cảnh giác với việc châu Âu và Mỹ tiến vào khu vực này. "Người Mỹ và châu Âu đang rất tích cực, nhưng người Mỹ đặc biệt tích cực ở Trung Á", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết vào tuần trước trong một cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình nhà nước. "Họ đang cố gắng tạo ra các định dạng của riêng mình, chẳng hạn như C5 + 1".

Ông nói thêm: “Khối lượng quan hệ kinh tế mà Hoa Kỳ và EU đang xây dựng với Trung Á vẫn không thể so sánh được với sự liên kết kinh tế của chúng ta. Nhưng họ đang theo đuổi một mục tiêu rõ ràng là làm suy yếu mối quan hệ của chúng tôi với các đồng minh và đối tác chiến lược theo mọi cách có thể".

Khi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác như Ukraine và Moldova tách biệt khỏi Nga, Moscow tìm cách giữ Trung Á, nơi có nhiều nhà lãnh vẫn ít nhiều nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.

Cộng đồng các quốc gia độc lập do Nga lãnh đạo - một tổ chức khu vực của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bao gồm tất cả các thành viên của Hội đồng Turkic bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ - đã nhóm họp vào tuần trước tại Moscow. Các thành viên đã đồng ý phối hợp chặt chẽ hơn trên trường quốc tế, theo Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong một tuyên bố. Đây được xem là tín hiệu để Nga tiếp tục duy trì vai trò, ảnh hưởng cũng như sự ổn định ở khu vực vùng đệm xung quanh biên giới nước này.

Mặc dù cố tình không nhắc tới sự ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Á, nhưng Nga rõ ràng tỏ ra không hài lòng với những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây. Sau các “sân chơi” ở Syria, Lybia và mới nhất là cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh, cái tên Thổ Nhĩ Kỳ còn làm đau đầu người Nga khi ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không công nhận việc sáp nhập bán đảo Crimea, thậm chí Tổng thống Erdogan còn tuyên bố viện trợ quân sự trị giá 30 triệu euro cho Ukraine trong chuyến công du tới nước láng giềng của Nga vào tháng 2 năm nay.

Theo các nhà quan sát, việc Thổ Nhĩ Kỳ đang có ý định tăng cường hợp tác ở khu vực sát sườn Nga không chỉ làm giảm sự ảnh hưởng về mặt kinh tế của Nga mà còn là yếu tố tạo nên sự bất ổn tiềm tàng về mặt chính trị nếu Trung Á nghiêng hẳn về Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây và Mỹ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-a-diem-nong-moi-trong-quan-he-nga--tho-nhi-ky-post127340.html