Trung Á thúc đẩy tự lực, tự cường

Trong thời gian gần đây, giới chuyên gia quốc tế có nhiều bình luận liên quan đến việc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi Nhóm các quốc gia Trung Á (C5) tăng cường hợp tác quốc phòng. Điều này thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy thành lập hệ thống an ninh mới mang tính độc lập cho khu vực Trung Á.

Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh GCC - C5 diễn ra tại Saudi Arabia vào tháng 7/2023. Ảnh: Al Arabiya

Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh GCC - C5 diễn ra tại Saudi Arabia vào tháng 7/2023. Ảnh: Al Arabiya

Mong muốn là bạn của tất cả

Vừa qua, chia sẻ trên truyền thông đại chúng, Tổng thống Kazakhstan đã nêu bật những thách thức quân sự - chính trị phức tạp và dai dẳng ở xung quanh khu vực Trung Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, khó lường, Nhóm C5 gồm các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc phòng.

Lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan đã thu hút sự quan tâm rất lớn trong giới chuyên gia chính trị quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Á có khả năng hình thành một cấu trúc mới của an ninh khu vực.

Xét về địa lý, Trung Á gồm những quốc gia không giáp biển, cách rất xa bất kỳ vùng nước nào khác ngoài biển Caspi biệt lập. Vì vậy, những quốc gia này cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng để bảo đảm các tuyến đường vận tải và tiếp cận biển.

Tuy có những khó khăn, thách thức, song địa lý của khu vực Trung Á cũng có những lợi thế chiến lược. Bên cạnh vị trí trọng yếu trên bản đồ thế giới, Trung Á có nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào, bao gồm dầu mỏ, khí đốt, uranium, đất hiếm... đều là những tài nguyên quý giá cho các ngành công nghiệp, công nghệ cao của xu hướng phát triển tương lai.

Tuy nhiên, xét về nội tại của khu vực, giới quan sát chỉ ra rằng, các quốc gia trong khu vực dù có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng lại không chặt chẽ và đáng kể bằng quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực. Điều này tất yếu dẫn tới việc nội lực của khu vực sẽ không thể phát huy hiệu quả, trong khi còn phải chịu nhiều sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Vì vậy, giới quan sát đánh giá, lời kêu gọi vừa qua của Tổng thống Kazakhstan được xem là một phần trong những nỗ lực mới nhằm đảo ngược xu hướng hiện nay của khu vực.

Lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan không chỉ là một nỗ lực để củng cố hợp tác trong khu vực, mà còn phản ánh những động thái chính trị sâu rộng hơn về việc duy trì sự trung lập và độc lập trong một bối cảnh quốc tế đang thay đổi.

Tầm nhìn mới này cũng phần nào phản ánh sự lo lắng của các nhà lãnh đạo Trung Á về sự phân cực ngày càng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế hiện nay. Đặc biệt là việc nhấn mạnh mong muốn rằng, Trung Á là bạn của tất cả và không là kẻ thù của bất kỳ ai.

Mặt khác, lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực Á - Âu đang có những bước tiến đáng chú ý về việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh, chính trị, kinh tế rộng lớn, như một nỗ lực tạo đối trọng với các liên minh phương Tây.

Vì vậy, việc khu vực Trung Á phải nâng cao tính tự lực, tự cường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tầm nhìn của ông Tokayev cho thấy rõ mong muốn vạch ra một con đường độc lập của khu vực Trung Á, không chịu sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Đa dạng hóa để thích ứng hiệu quả

Nổi bật trong một số ưu tiên được Tổng thống Kazakhstan nêu ra, bao gồm: Hình thành một không gian an ninh khu vực không thể chia cắt; các cách tiếp cận toàn diện đối với các mối đe dọa truyền thống và mới nổi; các chiến lược ứng phó và phòng ngừa hiệu quả; tích cực hợp tác với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác để tăng cường an ninh khu vực...

Tiến sĩ Abdel Aziz Aluwaisheg, Trợ lý Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) về các vấn đề chính trị và đàm phán cho rằng, việc tăng cường hợp tác nội khối của khu vực Trung Á có 5 vấn đề chính.

Trước hết là mong muốn độc lập. Các nước trong khu vực đã duy trì mối quan hệ tích cực trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Tuy nhiên, thay đổi trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là bất ổn an ninh châu Âu trong thời gian gần đây đã có những tác động đáng kể tới khu vực.

Các quốc gia Trung Á khác hiện đang tìm cách tạo ra một cấu trúc an ninh khu vực không phụ thuộc vào bên ngoài nhằm bảo đảm độc lập và vị thế cân bằng trong quan hệ quốc tế. Tổng thống Kazakhstan nhấn mạnh rằng, việc hình thành một không gian an ninh khu vực vững chắc là đặc biệt cấp bách, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia.

Tiếp đó là sự thay đổi động lực địa chính trị. Trong thời gian qua, các cường liên tục có nhiều động thái khuyến khích xây dựng một hệ thống an ninh chung với khu vực Trung Á. Tuy nhiên, Kazakhstan đã chọn con đường riêng, nhấn mạnh mong muốn giữ thái độ trung lập, không muốn theo cực nào, tránh bị lôi kéo vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường. Kazakhstan cũng thể hiện khá rõ nét lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào một bên có thể làm giảm tính độc lập trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Vấn đề thứ ba là sự thay đổi trong quan hệ kinh tế. Trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi trong ưu tiên kinh tế của các quốc gia Trung Á, thể hiện ở việc khu vực đã tăng cường quan hệ với các đối tác không phải là truyền thống như Mỹ và các quốc gia thành viên của GCC, đồng thời đa dạng hóa các đối tác kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống an ninh khu vực độc lập.

Vấn đề thứ tư là tăng cường hợp tác khu vực và tìm kiếm những cơ hội thương mại và chính trị mới. Vấn đề cuối cùng là đối phó với cạnh tranh quốc tế. Việc tận dụng các cơ hội từ các đối tác quốc tế là rất cần thiết, nhưng vẫn phải bảo đảm không làm giảm sự độc lập của mình. Từ đó xây dựng một hệ thống an ninh khu vực độc lập, duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia, khu vực.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhấn mạnh: “Việc tạo ra một cấu trúc an ninh khu vực đang trở nên đặc biệt cấp bách, bao gồm xây dựng danh mục các rủi ro an ninh đối với Trung Á và các biện pháp ngăn ngừa chúng... Là một bên tham gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Kazakhstan ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và tính bất khả xâm phạm của biên giới”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trung-a-thuc-day-tu-luc-tu-cuong-post480044.html