Trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật quý về hành trình thống nhất non sông
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: 'Non sông liền một dải' với gần 150 tài liệu, hiện vật được giới thiệu đến công chúng.

Trưng bày “Non sông liền một dải”mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 22/4 đến tháng 8/2025.
Trưng bày “Non sông liền một dải” gồm 3 phần. Phần 1 với chủ đề “Khát vọng thống nhất”: Nhân dân Việt Nam thi hành Hiệp định Geneva; bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân hai miền nam-bắc.
Ở phần này, công chúng được xem các tài liệu, hiện vật tiêu biểu như: Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải - giới tuyến tạm thời giữa hai miền bắc-nam Việt Nam từ tháng 7/1954; nhân dân miền bắc vui mừng đón cán bộ và bộ đội miền nam tập kết ra miền bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa vào năm 1955; nhân dân Sài Gòn-Gia Định đấu tranh đòi thống nhất đất nước, ngày 1/5/1956…
Phần 2 có chủ đề “Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một” giới thiệu về đường lối, quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; sự ủng hộ, chi viện của hậu phương lớn miền bắc đối với tiền tuyến lớn miền nam; sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Ở phần này, người xem được chiêm ngưỡng những bức ảnh, tư liệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10/9/1960; Lễ thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Tân Lập, Châu Thành, Tây Ninh vào ngày 20/12/1960; nhân dân Củ Chi (Sài Gòn) đồng khởi phá ấp chiến lược của Mỹ-ngụy vào năm 1960; phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên các đô thị miền nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…
Chủ đề phần 3 là “Non sông liền một dải”: giới thiệu những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam; không khí tưng bừng, niềm vui của ngày thống nhất non sông; nhân dân hai miền nam-bắc sum họp; đất nước Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải.
Ở phần này, công chúng được xem các tài liệu, hiện vật tiêu biểu về Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; quân giải phóng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thành phố Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là xe tăng Quân Giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn vào ngày 30/4/1975…

Đông đảo công chúng tới tham quan trưng bày.
Là nhân chứng lịch sử có mặt giao lưu tại sự kiện, cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 của xe tăng 390 không giấu được sự xúc động: Nhìn lại những hình ảnh ở trưng bày ngày hôm nay tôi lại nhớ đến 50 năm về trước, nhớ về những người đồng đội của tôi. Cách đây 50 năm tôi ở trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Khi xe tăng của chúng tôi húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nó đại diện cho sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện cho khát vọng của hòa bình của nhân dân Việt Nam. Chúng ta có mặt ở đây phải ghi nhớ công ơn của biết bao triệu người đã ngã xuống, đã hi sinh một phần thân thể nơi chiến trường”.

Cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, Pháo thủ số 1 của xe tăng 390 ghi cảm tưởng sau khi xem trưng bày.
Trưng bày “ Non sông liền một giải” thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thủ đô và du khách, đặc biệt là thế trẻ. Thông qua các tài liệu hiện vật, công chúng, hiểu sâu sắc hơn về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết keo sơn của nhân dân hai miền nam-bắc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Sinh viên Đỗ Thị Cẩm Ly, sinh viên Trường đại học Thương Mại chia sẻ: “Xem từng tài liệu, hiện vật trong em cảm thấy xúc động và tự hào với những gì ông cha ta đã trải qua. Xem những hình ảnh trực quan như thế này mới cảm nhận hết được những khó khăn, mất mát, hi sinh trong thời kỳ chiến tranh và giúp em biết trân trọng hơn những giây phút hòa bình”.

Triển lãm thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ.

Đông đảo các đại biểu tham quan triển lãm.
Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội thì triển lãm lần này góp phần rất quan trọng để hình thành tình yêu nước từ những ký ức lịch sử của cha ông; từ những bài học rất đáng quý mà chúng ta đã có được. Triển lãm này cùng nhiều sự kiện khác được tổ chức nhân dịp này giúp hình thành nên một bầu không khí tích cực về tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, từ đó hun đúc trách nhiệm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dưới đây là một số tài liệu, hiện vật được giới thiệu tại triển lãm "Non sông liền một dải":

Diễn văn khai mạc (có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bằng bút bi đỏ) Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 5/9/1960.

Mõ và súng ngựa trời nhân dân Bến Tre sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Biểu ngữ nhà máy Dệt 8/3 ( Hà Nội) Nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội) biến đau thương thành hành động cách mạng trong phong trào thi đua học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành 10 triệu mét vải vì miền nam ruột thịt năm 1970.

Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền nam ngày 7/4/1975.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng Việt Nam đại thắng ngày 15/5/1975.

Đoàn tàu khách đầu tiên tới ga Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày khánh thành đường sắt Thống Nhất, tháng 2/19756.