Trưng bày hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Trưng bày chuyên đề 'Văn hóa Óc Eo trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An' giới thiệu đến công chúng những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của nền văn minh Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa bản địa gắn liền với sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ. Phạm vi phân bố của nền văn hóa này trải rộng ở khu vực Nam bộ Việt Nam và có ảnh hưởng sang các nước Đông Nam Á.

Tại Nam Bộ, nhiều di tích của nền văn hóa Óc Eo đã được khai quật ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An…

 Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An”. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An”. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An" giới thiệu gần 50 hình ảnh, hơn 330 hiện vật của 2 địa phương về các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam Bộ xưa.

Hiện vật trưng bày ở cả 3 giai đoạn văn hóa Óc Eo, bao gồm: Tượng cổ, linh vật (tiêu biểu là linga, yoni của tín ngưỡng phồn thực), minh văn ghi trên lá vàng, công cụ làm gốm; đồ gốm; đồ trang sức bằng vàng, đá quý, thủy tinh, kim loại…

Chất liệu hiện vật phong phú, đa dạng là minh chứng về mối liên hệ của hệ thống các di chỉ vùng cận biển như: Giồng Lớn (Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ, TP HCM), Gò Ô Chùa và một số di chỉ Gò Hàng, Gò Dung, Gò Đế (Đồng Tháp Mười, Long An) đã từng được nhận định bởi các nhà khảo cổ.

Qua di tích, di vật trưng bày và những nghiên cứu, cho thấy cư dân Óc Eo đã đạt những thành tựu vượt bậc trong nhiều lĩnh vực: Sự phát triển của nông nghiệp sớm; kỹ thuật luyện kim đạt trình độ tinh xảo đưa Nam Bộ Việt Nam thành một trong những trung tâm luyện kim của khu vực từ thời đại Đồng thau sang Sắt sớm.

Bên cạnh đó, nghề thủ công phát triển, trao đổi thương mại và cư dân cổ tham gia ngày càng tích cực vào hệ thống thương mại biển; đời sống tinh thần đa dạng, phong phú với các tín ngưỡng, tôn giáo (Phật giáo và Ấn Độ giáo) thể hiện sâu đậm qua nhiều kiến trúc tôn giáo và di vật thờ cúng.

 Hiện vật trưng bày ở cả 3 giai đoạn văn hóa Óc Eo, trong đó có đồ trang sức bằng vàng, đá quý. Ảnh: T.Huyền

Hiện vật trưng bày ở cả 3 giai đoạn văn hóa Óc Eo, trong đó có đồ trang sức bằng vàng, đá quý. Ảnh: T.Huyền

Theo ông Trần Anh Thiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, văn hóa Óc Eo là một nội dung văn hóa - khoa học lớn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ xưa, có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ, được hình thành và phát triển qua 3 giai đoạn: Tiền Óc Eo (khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên), Óc Eo điển hình (thế kỷ thứ II đến thế kỷ VII) và hậu Óc Eo (thế kỷ VIII đến thế kỷ XII). Trong đó, nội hàm văn hóa Óc Eo ở Long An thể hiện rõ rệt và khá đầy đủ về ba giai đoạn này.

Trưng bày phục vụ khách tham quan từ nay đến hết tháng 10/2024, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-bay-hien-vat-van-hoa-oc-eo-tai-ba-ria--vung-tau-post310168.html