Trưng bày sách 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 – 2022), Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức trưng bày sách về báo chí, nghề báo và nhà báo.

Trưng bày sách 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Trưng bày sách 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Trưng bày giới thiệu với độc giả 68 ấn phẩm về báo chí và nghề báo nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng đầy vinh quang. Bên cạnh những cuốn sách về lịch sử báo chí và những đóng góp to lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường lịch sử vẻ vang; phần lớn ấn phẩm chia sẻ nghiệp vụ, kỹ năng làm nghề, suy ngẫm về nghề của các thế hệ nhà báo, chân dung những nhà báo lớn. Có thể kể các tác phẩm: Báo chí Hồ Chí Minh – chuyên luận và tuyển chọn (Hà Minh Đức), Bác Hồ duyên nợ với báo chí (Phan Quang), Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn (Nguyễn Thế Kỷ), Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại (nhóm tác giả), Báo chí và mạng xã hội (Đỗ Đình Tấn), Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu (Trần Nhật Vy), Các loại hình báo chí truyền thông (Dương Xuân Sơn), Để viết phóng sự thành công (Huỳnh Dũng Nhân), Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930 (P. M. F. Peycam, bản dịch của Trần Đức Tài), Đường vào phóng sự điều tra (Ngọc Trân), Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại (Thành Lợi), Nhật ký một nhà báo (Lê Văn Nuôi), Phỏng vấn báo chí (Benjamin Ngô), Những tản mạn về nghề báo: Nhanh, đúng, trúng, hay (Hải Đường), Báo mạng điện tử (Nguyễn Thị Trường Giang), Thư gửi nhà báo trẻ (S. G. Freedman), Chuông làng báo (Nam Sơn ký giả), Gia Định báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên (nhiều tác giả), Mắt sáng - lòng trong - bút sắc (Hữu Thọ), Nghiệp truyền lửa (Đình Khải), Sống tốt với nghề báo (Benjamin Ngô), Nghề báo – Những bài học nhớ đời (Nguyễn Quang Hòa), 41 năm làm báo (Hồ Hữu Tường), Nhà báo hiện đại (The Missouri Group)…

Những trang sách đã cho bạn đọc hiểu cặn kẽ hơn về nền báo chí cách mạng Việt Nam, hiểu rõ về một nghề không chỉ có ánh hào quang mà chứa đựng cả nhọc nhằn. Đồng thời, những người làm báo hôm nay đọc thấu hiểu những sẻ chia, tâm sự nghề nghiệp, những trăn trở, suy nghĩ, nhắn nhủ của các thể hệ nhà báo đi trước với thế hệ những người cầm bút hậu bối; từ đó không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của người làm báo.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202206/trung-bay-sach-97-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-3121865/