Trung bình mỗi người Việt đang tiêu thụ hơn 1 lít đồ ngọt mỗi tuần
Một ly trà sữa chiều, chai nước trái cây đóng chai sau bữa trưa, hay lon nước ngọt giữa giờ... những thói quen này đang góp phần đẩy lượng đường tiêu thụ đầu người tại Việt Nam lên mức đáng báo động.
Theo thống kê mới nhất của Euromonitor năm 2023, trung bình mỗi người Việt hiện tiêu thụ khoảng 66,5 lít đồ uống có đường mỗi năm - tức hơn 1 lít mỗi tuần.

Người Việt đang tiêu thụ lượng đường khá lớn.
Năm 2009, tổng lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam chỉ dừng ở mức 1,59 tỷ lít. Sau 15 năm, con số này đã tăng phi mã lên tới 6,67 tỷ lít (năm 2023) - tương đương mức tăng trưởng gần 320%.
Đáng chú ý hơn, lượng tiêu thụ đầu người cũng có bước nhảy vọt đáng ngại: từ 18,5 lít/người/năm (2009) lên 66,5 lít/người/năm (2023), tức gấp 3,6 lần. Dễ hiểu vì sao nhiều chuyên gia dinh dưỡng gọi đây là “sự ngọt ngào hủy diệt”.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 25g đường tự do mỗi ngày, tương đương khoảng 9 - 10kg/năm. Một lon nước ngọt có thể chứa tới 35g đường, nghĩa là chỉ cần một lon/ngày đã vượt mức an toàn.
Uống nhiều đường gây rối loạn cả hệ thống chuyển hóa
Việc tiêu thụ đường vượt mức làm tăng nhanh insulin trong máu, kích thích tích mỡ nội tạng và làm giảm độ nhạy insulin - tiền đề của hàng loạt rối loạn chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu.

Việc tiêu thụ đường vượt mức làm tăng nhanh insulin trong máu.
Đáng lo hơn, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ đường cao với rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến cả sức khỏe sinh sản nam và nữ. Ở nam giới, lượng đường cao làm giảm testosterone, giảm chất lượng tinh trùng; còn ở nữ giới, tình trạng kháng insulin có thể gây rối loạn phóng noãn và tăng nguy cơ buồng trứng đa nang.
Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam đang tăng nhanh ở mức đáng báo động. Theo Bộ Y tế, năm 2022, tỷ lệ béo phì học đường tại một số thành phố lớn như TP.HCM đã vượt mốc 50% ở nhóm trẻ 6 -11 tuổi. Một phần nguyên nhân đến từ việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, trà sữa, sữa có đường… mà không được kiểm soát.
Cùng lúc đó, các bệnh viện lớn như Từ Dũ, Hùng Vương, Bạch Mai đều ghi nhận số lượng người trẻ đến khám vì hiếm muộn, vô sinh ngày càng tăng, nhiều trường hợp ở độ tuổi dưới 30.
Giải pháp không phải là “cai ngọt”, mà là kiểm soát thông minh
Thay vì cố gắng kiêng khem hoàn toàn, lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng là nên giảm tần suất uống nước ngọt thương mại, ưu tiên nước lọc, nước thảo mộc, trà nhạt, hoặc nước trái cây nguyên chất tự làm không thêm đường.

Nên giảm tần suất uống nước ngọt thương mại.
Đặc biệt với trẻ nhỏ, việc giáo dục vị giác và giới hạn lượng đường ngay từ sớm là cách tốt nhất để ngăn chặn hệ quả kéo dài khi trưởng thành.
Một số con số cần ghi nhớ:
66,5 lít/người/năm = hơn 180ml/ngày (tức ~1 lon nước ngọt nhỏ mỗi ngày)
1 lon nước ngọt (330ml) chứa 35g đường, gần 140% mức khuyến nghị/ngày
Việt Nam chưa áp dụng thuế đường đặc biệt như Thái Lan, Anh, Mexico.
Đã đến lúc nhìn nhận việc tiêu thụ nước ngọt không còn là chuyện ăn uống cá nhân, mà là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được cảnh báo, kiểm soát và truyền thông đúng cách.