Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9): Viết tiếp truyền thống 'Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn'

Cách đây 60 năm, sau khi phong trào Đồng khởi và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cuộc đấu tranh cách mạng chuyển sang một hướng mới. Từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo nên một khí thế đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp toàn miền Nam.

Trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang 3 thứ quân phát triển với quy mô ngày càng lớn. Các Tiểu đoàn, Trung đoàn chủ lực của Quân khu lần lượt ra đời. Trong bối cảnh đó, vào ngày 23-9-1963, tại vùng căn cứ U Minh thuộc xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (nay là huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Trung đoàn 1-Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam bộ, sau đó được mang tên Trung đoàn U Minh.

Lịch sử hào hùng

Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù lực lượng còn thiếu thốn, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất còn thiếu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm cao, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương, được sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân, Trung đoàn ra quân và liên tục giành thắng lợi.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tham gia diễn tập bắn đạn thật năm 2021.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tham gia diễn tập bắn đạn thật năm 2021.

Điển hình là trận đánh Chi khu Chà Là vào đêm 23, rạng sáng ngày 24-11-1963 là trận đánh then chốt quyết định, kết thúc chiến dịch Thu Đông ở miền Tây Nam bộ. Kế thừa, phát huy kinh nghiệm chiến đấu của trận đầu ra quân thắng lợi, để thực hiện chủ trương mở rộng vùng giải phóng của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 9, liên tiếp những năm sau đó, Trung đoàn cơ động lên Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ mở hàng loạt các trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực và mục tiêu quan trọng của địch, điển hình là trận phục kích ở lộ Lục Phi, xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang ngày nay) đêm 18 rạng sáng ngày 19-7-1964.

Hay trận Cò Tuất-Kinh Xuôi, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Đây là trận đánh vô cùng ác liệt, địch đã sử dụng hàng nghìn tấn bom đạn dội vào trận địa của ta. Suốt cả ngày, địch lần lượt đổ cả Trung đoàn bộ binh, cùng với 20 xe thiết giáp, dưới sự chi viện của hàng trăm lượt máy bay ném bom. Chúng tổ chức xung phong từ chính diện, hai bên sườn, kết hợp với dùng những mũi nhỏ bí mật vu hồi phía sau trận địa của ta. Song, mọi âm mưu thủ đoạn của chúng đều bị cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đánh bại.

Cơ động chiếm lĩnh trận địa trong diễn tập.

Cơ động chiếm lĩnh trận địa trong diễn tập.

 Hỏa lực tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập.

Hỏa lực tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập.

Chiến công nối tiếp chiến công, từ năm 1966 đến 1968, Trung đoàn liên tục chiến đấu và giành những thắng lợi quan trọng; đặc biệt là kết quả trong các đợt cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng chính quyền và nhân dân thị xã Cần Thơ, Hậu Giang…

Làm tròn nghĩa vụ quốc tế

Đất nước hòa bình, thống nhất chưa được bao lâu, lợi dụng ta còn khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt, tập đoàn phản động Pôn Pốt-Lêngxari xua quân đánh chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trước tình hình đó, Trung đoàn được Quân khu 9 giao nhiệm vụ cơ động ra đảo Phú Quốc, phối hợp với lực lượng hải quân, không quân tiến công tiêu diệt quân địch, giải phóng hoàn toàn đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà.

Thắng lợi trên đảo Thổ Chu có ý nghĩa hết sức to lớn cả về mặt chính trị, quân sự và ngoại giao; là thắng lợi của sức mạnh kết hợp quân binh chủng. Riêng, đối với Trung đoàn, suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quen với lối đánh của bộ đội chủ lực, nhưng qua chiến thắng này cho thấy sự trưởng thành về trình độ, khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 huấn luyện kỹ, chiến thuật.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 huấn luyện kỹ, chiến thuật.

Trong đêm 30-4-1977, trong lúc nhân dân ta đang vui mừng kỷ niệm 2 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bọn phản động Pôn Pốt-Lêngxari cầm đầu bất ngờ xua quân xâm lấn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của nước ta.

Nhận được lệnh của Quân khu, ngay sáng hôm sau, Trung đoàn cơ động lên biên giới. Đêm ngày 2 và cả ngày 3 tháng 5, Trung đoàn ngăn chặn kịp thời các mũi tiến công của địch, khôi phục lại tuyến biên giới ở Bình Dy, Bắc Đai, thị xã Châu Đốc. Sau đó, Trung đoàn tiếp tục cơ động chiến đấu nhiều trận dọc tuyến biên giới từ An Giang, xuống Kiên Giang, rồi lên Đồng Tháp, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa.

Đáp lời kêu gọi của mặt trận cứu nước Campuchia, ngày 1-1-1979, cùng với các đơn vị trong đội hình của Sư đoàn 330, Trung đoàn lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Trung đoàn tiếp tục giúp bạn ổn định cuộc sống, xây dựng đất nước. Qua hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã liên tục cơ động chiến đấu trên khắp các địa hình, từ đồng bằng đến miền núi, từ đô thị đến biên giới xa xôi, những ngọn núi, con đường hay tên làng… đã in đậm dấu chân người lính Trung đoàn.

Vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”

Được chứng kiến buổi luyện tập các phương án chiến đấu tại chỗ, báo động hành quân di chuyển, rèn luyện sức cơ động, phòng chống cháy nổ, ứng cứu sập đổ công trình… do cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 đảm nhiệm, chúng tôi càng cảm nhận rõ tinh thần, trách nhiệm của từng cá nhân.

Thiếu tá Nguyễn Minh Thức, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309 cho biết: “Có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, do vậy đơn vị thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh; duy trì chặt chẽ các chế độ trực, bảo đảm quân số, vũ khí trang bị theo quy định. Tổ chức rà soát, bổ sung hoàn chỉnh văn kiện sẵn sàng chiến đấu và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống”.

Chiến sĩ Trung đoàn 1 tìm hiểu truyền thống đơn vị.

Chiến sĩ Trung đoàn 1 tìm hiểu truyền thống đơn vị.

Quán triệt Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, hằng năm, Đảng ủy Trung đoàn 1 đều ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ với các chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp phù hợp với đối tượng, đặc điểm địa bàn.

“Xác định tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chúng tôi tập trung nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật sát thực tế chiến đấu, kết hợp với tăng cường huấn luyện với rèn luyện thể lực bộ đội. Kết quả huấn luyện hằng năm, 100% các nội dung đều đạt yêu cầu, trong đó có 84,23% đạt khá, giỏi; tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, bắn đạn thật ở các cấp đạt kết quả khá, giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tô thắm truyền thống “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn”, Trung tá Lý Khải Điền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 khẳng định.

Với thành tích đạt được, Trung đoàn 1 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 3 lần danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1973, 1975 và 1989; 14 Huân chương Quân công, 618 Huân chương Chiến công, 11 Huân Chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Nhì; 11 Huân chương Ăngco (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Campuchia) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài, ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/trung-doan-1-su-doan-330-quan-khu-9-viet-tiep-truyen-thong-di-la-chien-thang-danh-la-diet-gon-743873