Trung đoàn 592 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào đầu năm 1971 có ý nghĩa to lớn, tác động đến cục diện chiến trường 3 nước Đông Dương, giáng đòn mạnh vào Chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh' của đế quốc Mỹ. Trong chiến dịch này, ngoài việc bảo đảm tốt xăng, dầu cho các đơn vị, Trung đoàn Đường ống 592 (thành lập tháng 10-1970) thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, gây cho kẻ thù nhiều tổn thất.

Ngày 8-2-1971, dưới sự yểm trợ của quân Mỹ, ngụy quân Sài Gòn chia làm 3 cánh quân vượt biên giới Việt-Lào tiến công vào tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Cánh quân chủ yếu của chúng tiến theo Đường 9 qua Lao Bảo (Quảng Trị). Khi địch đổ quân xuống khu vực Đường 9, toàn bộ địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 968 và một phần của Tiểu đoàn 668 (Trung đoàn Đường ống 592) nằm trong khu vực tác chiến. Đoạn từ kho K6 đến kho K7 do Tiểu đoàn 968 bảo vệ và vận hành dài hơn 30km, có các trạm bơm T16, T17 và nhiều mục tiêu quan trọng.

Xây dựng đường ống xăng, dầu Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Xây dựng đường ống xăng, dầu Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Trong chiến dịch, Trung đoàn 592 và các binh trạm cánh Đông Đường 9 (gồm các Binh trạm 9, 27, 41) được giao nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến dịch và đánh địch tại chỗ. Nhằm giữ bí mật và bảo vệ tuyến ống từ kho K6 đến kho K7, Tiểu đoàn 968 được lệnh chôn lấp, ngụy trang tuyến ống, trạm bơm, kho xăng trong khu vực tác chiến. Để bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tuyến, đồng thời chuẩn bị chân hàng cho chiến dịch, Bộ tư lệnh Trường Sơn đồng ý chuyển Trung đoàn bộ từ Ra Khum (Nam Đường 9) ra dốc Tà Lao (Bắc Đường 9).

Khi địch đổ quân xuống khu vực có tuyến ống và trạm bơm gồm Bản Đông và các điểm cao 660, 723, Đại đội 6, Tiểu đoàn 968 ở thế "cài răng lược" với địch. Phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 2 (nay thuộc Quân khu 5), Thiếu úy Nông Văn Hoàng, Phó đại đội trưởng Đại đội 6 chỉ huy một mũi xung kích chặn đứng hai tiểu đoàn địch tràn lên điểm cao 660, đánh lui nhiều đợt phản công của chúng, diệt 37 tên. Tuy bị thương nặng nhưng đồng chí Nông Văn Hoàng không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi kiệt sức và hy sinh anh dũng.

Ở hướng khác, một trung đội cơ động do Trung đội trưởng Nguyễn Duy Liễn chỉ huy, chốt ở bản Keng Be trên yên ngựa giữa hai cao điểm 660 và 723. Lực lượng địch ở cao điểm 723 tràn xuống định tiêu diệt chốt, kết hợp lực lượng của chúng ở cao điểm 660 hòng phá hủy đoạn đường ống cùng trạm bơm T16. Trước tình hình đó, bộ đội ta kiên cường bám trụ, chiến đấu ngoan cường dù chỉ có súng AK, lựu đạn và 3 quả mìn định hướng. Trong khi đó, địch đông gấp bội, tổ chức vây chặt đội hình của đơn vị rồi dùng loa gọi hàng.

Không hề nao núng, thấy tiếng loa ở đâu là cán bộ, chiến sĩ quét AK vào. Tất cả các đợt địch xông lên đều bị đánh bật ra. Vì thế, chúng tức tối gọi trực thăng đến bắn xối xả xuống trận địa của ta. Chiến sĩ thông tin bị thương, máy thông tin trúng đạn hỏng khiến trung đội mất liên lạc với Tiểu đoàn. Tuy nhiên, các chiến sĩ đã kiên cường đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Rạng sáng 18-3-1971, toàn bộ quân địch bị lực lượng của Sư đoàn 2 đánh bật khỏi cao điểm 660 và 723, tháo chạy về phía biên giới Việt-Lào.

Ở phía Bắc Đường 9, Đại đội 2, Tiểu đoàn 668 phối hợp với Sư đoàn 2 đánh địch trên không và mặt đất, giữ vững an toàn cho kho K6, tham gia bắn hạ nhiều máy bay trực thăng, trong đó một chiếc bốc cháy, rơi xuống phía Bắc Đường 9, cách kho K6 khoảng 500m. Cuối chiến dịch, địch hoàn toàn thất thế, hoảng loạn tháo chạy. Trong toàn chiến dịch, Trung đoàn 592 đã tiêu diệt 135 tên; riêng Tiểu đoàn 968 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.

Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU (Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; nguyên kỹ sư khảo sát thiết kế, Cục Xăng dầu Trường Sơn)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/trung-doan-592-trong-chien-dich-duong-9-nam-lao-778129