Trung đoàn bắn rơi 43 máy bay Mỹ trong một năm
Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, trong năm 1972, Trung đoàn không quân 927 đã bắn rơi 43 chiếc máy bay Mỹ.
Năm 1972 là năm thật đặc biệt đối với Trung đoàn Không quân 927. Tuy là đơn vị mới được thành lập hồi đầu năm nhưng Trung đoàn đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc. Các phi công của Trung đoàn đã bắn rơi 43 chiếc máy bay Mỹ, chiếm hơn một nửa số máy bay Mỹ do cả bốn Trung đoàn Không quân bắn hạ (83 chiếc). Những chiến công trên có được, phải kể đến công lao đóng góp rất lớn trong chỉ huy chiến đấu của các anh cán bộ chỉ huy trung đoàn, như Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị và Thiếu tá Trung đoàn phó Nguyễn Nhật Chiêu.
Được biết, anh Chiêu quê ở huyện Nam Sách, Hải Dương, sinh năm 1934, từng đi bộ đội từ thời chống Pháp. Năm 1956 anh được tuyển chọn đi học lái máy bay chiến đấu ở Trường Không quân Trung Quốc và đã tốt nghiệp lái máy bay MIG-17.
Trong những trận không chiến trên cả máy bay MIG-17 và MIG-21, từ năm 1965 đến năm 1967, anh đã bắn rơi được 6 chiếc máy bay Mỹ. Là một phi công tài ba, một chỉ huy có kinh nghiệm, anh luôn giành được sự tôn trọng và nể phục của cấp dưới. Khi tham gia những trận không chiến do anh chỉ huy, các phi công thường rất vững tin xung trận.
Bản thân tôi vẫn còn lưu giữ được những kỷ niệm rất tốt về anh từ khi mới bước chân về Trung đoàn Không quân 921, sau khi tốt nghiệp Trường Không quân Liên Xô năm 1968.
Do bị giãn cách bay, vì chuyến bay tốt nghiệp đã diễn ra từ cuối tháng 3 ở Liên Xô, mà nay đã là đầu tháng 5, nên muốn được bay đơn trên máy bay chiến đấu, chúng tôi phải được kèm bay lại trên máy bay huấn luyện hai buồng lái. Mặt khác, đây cũng là chuyến bay tại một sân bay mới, các phi công trẻ chúng tôi cần làm quen với địa hình quanh sân bay, các hệ thống thông tin, radar và cả các khẩu lệnh chỉ huy ở nhà.
Người kèm tôi bay chuyến bay đầu tiên trên bầu trời quê mẹ là Đại úy - Trung đoàn phó Nguyễn Nhật Chiêu. Trước chuyến bay anh dặn: "Cậu cứ làm như từng bay bên trường. Mình chỉ ngồi theo dõi thôi. Và nhớ là khi có bất kỳ hỏng hóc kỹ thuật nào cũng bình tĩnh chủ động xử lý, đừng đợi giáo viên hay chỉ huy bay nhắc."
Hôm ấy, thật không may, trời lại đầy mây và lớp mây thấp nhất mà chúng tôi quen gọi là đáy mây chỉ cao chừng 600 đến 700 mét. Từ khoa mục được bay trong không vực bay để ôn lại những động tác kỹ thuật lái đơn giản, tôi cùng anh bay theo vòng lượn quanh sân bay trên độ cao 500 mét. Bằng một giọng nói rất từ tốn, anh chỉ cho tôi đâu là điểm vòng một, vòng hai của sân bay, đâu là núi Am Lợn, còn kia là núi Thằn Lằn nằm sát hồ Đại Lải đầy nước. Bay đến đấy làm vòng lượn thứ ba là chính xác... Sau mấy vòng bay làm quen địa hình và tiêu thụ bớt nhiên liệu, tôi bay vào hạ cánh.
Chuyến bay này đối với bất kỳ phi công mới tốt nghiệp được bay với cán bộ đều rất quan trọng. Đây là dịp hiếm hoi để chúng tôi trình làng khả năng bay thực tế của mình. Kết quả tốt, xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá của cán bộ cấp trên về khả năng bay của chúng tôi và quyết định cả việc bồi dưỡng sau này nữa. Do chuẩn bị kỹ và luôn tự nhủ không được căng thẳng, tôi đã có cú hạ cánh có thể nói là rất tốt, rất đúng tiêu chuẩn. Từ đường bay xuống, hướng bay xuống đến tốc độ trên từng độ cao đều tương xứng. Suốt quá trình bay xuống không thấy anh nhắc gì, nhưng khi máy bay vừa chạm đất, trong tai nghe của tôi vang lên giọng của anh như tiếng reo: "Ốtlích". Tôi đã rất vui và hiểu là anh đã nói tiếng Nga bồi, bởi Ốt-li-trơ-nơ - tiếng Nga là giỏi lắm. Tôi tiếp tục tăng ga và cất cánh tiếp. Và một lần nữa từ "Ốtlích" lại được anh sử dụng sau chuyến hạ cánh thứ hai.
Lăn về sân đậu, ra khỏi buồng lái, để nguyên mũ bay, tôi giơ tay lên ngang mũ báo cáo xin nhận xét. Anh cười thật hiền, vỗ vai tôi và bảo: "Soát bay tốt lắm. Vào chuẩn bị bổ sung đi rồi ra bay đơn nhé!" Bay đơn nghĩa là được bay một mình trên máy bay chiến đấu.
Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-doan-ban-roi-mot-43-may-bay-my-trong-mot-nam-post1518965.html