Trung đoàn Bộ binh 31: Phát huy truyền thống 75 năm anh hùng

Ngày 22-1-2021, Trung đoàn Bộ binh 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) tròn 75 năm xây dựng và lớn mạnh. Đây là dịp để đơn vị ôn lại truyền thống với 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) nhờ những chiến công xuất sắc qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.

Chiến sĩ Trung đoàn 31 luyện tập vượt vật cản tổng hợp

Chiến sĩ Trung đoàn 31 luyện tập vượt vật cản tổng hợp

Lừng lẫy chiến công

Cách đây 75 năm, ngày 22-1-1946, tại trại Bảo An, thị xã Hải Dương (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương), Chi đội 2 Hải - Hưng - Thái được thành lập theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Chiến khu 3, đây là đơn vị tiền thân của Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 Anh hùng. Đến tháng 5-1946, Chi đội 2 được chuyển thành Trung đoàn mang phiên hiệu số 44, hoạt động tại 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình. Đêm 19-12-1946, Trung đoàn đã đánh trận đầu tiên ở trường Con Gái thu được thắng lợi giòn giã. Đến tháng 1-1951, khi Đại đoàn 320 được thành lập thì Trung đoàn (lúc này được phiên hiệu là Trung đoàn 64) trở thành một đơn vị chủ lực của Đại đoàn, chiến đấu trên địa bàn 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ, đã tham gia vào 9 chiến dịch lớn, đánh 491 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 14.493 tên địch, bắn rơi 3 máy bay, bắn cháy 24 xe tăng…

Đến cuối năm 1965, do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 64 rời Đại đoàn 320 hành quân vào chiến trường khu 5 chiến đấu và đến ngày 1-1-1966 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Bộ binh 31 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong giai đoạn 1970-1975, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh ở đường 9 Nam Lào, trong đó tiêu biểu có trận phục kích tại khu vực Hương An - Bà Rén, diệt 593 tên địch, bắt sống 28 tên, phá hủy và thu giữ nhiều khí tài quân sự của địch. Với những chiến công này, đơn vị được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và được Bộ Tư lệnh Quân khu xem là “một trận đánh kiểu mẫu”. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đơn vị tham gia tiến công vào quận lỵ Tiên Phước, giải phóng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, Trung đoàn chia tay Sư đoàn 2 về làm đơn vị chủ công cho Sư đoàn 309, chiến đấu ở mặt trận 479, cùng nhân dân Campuchia đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, từ tháng 9-1989 đến nay, Trung đoàn trong đội hình của Sư đoàn 309 - Quân đoàn 4, đóng quân trên địa bàn phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kể từ khi thành lập, trải qua nhiều lần đổi tên, cơ động trên nhiều chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Quốc phòng cùng sự chỉ huy sâu sát của các cấp, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, kế thừa truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trung đoàn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 21 Huân chương Quân công, 265 Huân chương Chiến công; trong đội hình Trung đoàn có 3 tiểu đoàn (7, 8, 9), 2 đại đội (5, 7 thuộc Tiểu đoàn 8) và 2 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Hun đúc lòng tự hào

Phát huy truyền thống “Trung đoàn quyết thắng, dũng cảm đánh hăng”, thời gian qua Trung đoàn 31 đã quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối nhiệm vụ quân sự của Đảng, tổ chức huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tinh thần trách nhiệm; xây dựng đơn vị chính quy xanh, sạch, đẹp. Trong giai đoạn 2013-2020, Trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đề án đổi mới chương trình huấn luyện của Bộ Quốc phòng, như chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, chương trình huấn luyện cơ bản các đơn vị bộ binh, chương trình huấn luyện quân nhân chuyên nghiệp. Nhờ đó, trong 5 năm qua, chất lượng huấn luyện của đơn vị và trình độ huấn luyện của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên; trình độ khả năng kỹ chiến thuật của bộ đội đã có bước chuyển biến rõ nét, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi có chiến tranh xảy ra.

Chất lượng giáo dục chính trị của Trung đoàn trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ nét; kết quả kiểm tra nhận thức chính trị cho các đối tượng hàng năm đạt 100% yêu cầu, trong đó 95,7% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đạt khá, giỏi; 80,3% hạ sĩ quan, chiến sĩ đạt 80,3% khá, giỏi.

Nói về công tác giáo dục truyền thống của đơn vị, Thượng tá Phạm Thanh Sự, Chính ủy Trung đoàn 31, cho biết: Việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ trẻ có vị trí rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin, tình cảm cách mạng, tạo động cơ, quyết tâm phấn đấu đúng đắn cho bộ đội. Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, làm tốt công tác này bằng những biện pháp sát, đúng, sáng tạo. Trung đoàn đã tập trung giới thiệu những trận đánh hay, những chiến công tiêu biểu của đơn vị cùng những mất mát, hy sinh để cán bộ, chiến sĩ hiểu và tự hào về truyền thống bất khuất, anh hùng của đơn vị; tổ chức nhiều hoạt động trực quan như tham quan nhà truyền thống Trung đoàn, tham quan Bảo tàng Quân đoàn; tổ chức tọa đàm, diễn đàn thanh niên; thi tìm hiểu truyền thống đơn vị, hoạt động tri ân ngày 27-7…

Trải qua các cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, đã có 5.035 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh. Những hy sinh to lớn nhưng vẻ vang đã làm nên truyền thống “Trung thành vô hạn, dũng cảm đánh hăng, linh hoạt táo bạo, kiên cường bám trụ, đã đi là đến, đã đánh là dứt điểm, quyết chiến quyết thắng” của Trung đoàn Bộ binh 31.

QUANG PHÚ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trung-doan-bo-binh-31-phat-huy-truyen-thong-75-nam-anh-hung-709428.html