'Trùng độc chiến' giam chân địch

Chiều cuối năm, chúng tôi gặp ông Vương Minh Tường (ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội), con trai của Trung tướng Vương Thừa Vũ (nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng) và được nghe ông kể lại những câu chuyện liên quan đến người cha trong thời điểm Toàn quốc kháng chiến 75 năm trước.

Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ được Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ là Tư lệnh Mặt trận Hà Nội, chỉ huy việc phòng thủ và tấn công quân Pháp tại Hà Nội nhằm mục đích kéo dài thời gian để các cơ quan của Đảng, Chính phủ rút lên an toàn khu, bảo toàn lực lượng. Tư lệnh Mặt trận Hà Nội chính là “tổng công trình sư” của kế hoạch “trong đánh ngoài vây” mà theo cách nói của ông là “trùng độc chiến”.

 Đồng chí Vương Thừa Vũ (đi trước, bên phải) trong ngày về tiếp quản Thủ đô (tháng 10-1954). Ảnh do gia đình cung cấp

Đồng chí Vương Thừa Vũ (đi trước, bên phải) trong ngày về tiếp quản Thủ đô (tháng 10-1954). Ảnh do gia đình cung cấp

Ngay từ đầu tháng 11-1946, tình hình rất phức tạp do thực dân Pháp liên tục có những hành động gây hấn. Nhiều gia đình trong các khu phố khẩn trương thu xếp nhà cửa để sơ tán. Các nhà máy, xí nghiệp chuyển máy móc, nguyên liệu ra ngoài thành phố, các cơ quan Chính phủ chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc. Những người ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô lao vào hoàn thành công việc chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch.

Tư lệnh Vương Thừa Vũ nhiều lần đích thân đến các khu phố để xem các đơn vị tự vệ chuẩn bị chiến đấu. Sau này, ông từng kể với con trai về cơ duyên để ông có được kế hoạch tác chiến từ một chuyến đi quan sát vị trí đóng quân của địch bảo vệ nhà viên tướng Morlíe ở phố Hàng Trống (nay là tòa soạn Báo Nhân Dân).

Hôm ấy, ông đã hỏi chuyện một anh đội trưởng đội tự vệ. Sau khi nghe anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến, ông chợt nghĩ ra hướng chuẩn bị tích cực cho thành phố đi vào chiến đấu, kìm giữ chân địch trong Hà Nội không cho chúng mở rộng chiến tranh ra ngoài. Hà Nội cần xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống tăng, cơ giới và bộ binh địch hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiến lũy chắn ngang nên cần đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia để bảo đảm sự cơ động lực lượng của ta. Từ suy nghĩ này, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng với Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, có thể tổ chức cố thủ ngay trong thành phố dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô.

Khi báo cáo kế hoạch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành ngay. Với một kế hoạch chiến đấu được hoạch định cụ thể, tính toán kỹ số lượng đạn dược, lương thực, nước uống của bộ phận cố thủ tại Liên khu 1-khu trung tâm, chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến đấu lớn với một tâm thế chủ động. Đến trung tuần tháng 12-1946, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã báo cáo với Bác có thể giữ Hà Nội từ một tháng trở lên. Và thực tế là, từ hiệu quả của nghệ thuật “trùng độc chiến” mà các lực lượng của ta đã giam chân địch tại Hà Nội lâu hơn dự kiến, sau đó tổ chức rút lui an toàn.

Ông Vương Minh Tường cho biết: “Bố tôi kể, trong 60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn luôn theo dõi sát sao hằng ngày, hằng giờ từng trận chiến đấu của quân dân ở 3 liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch. Những chiến sĩ quyết tử và nhân dân Hà Nội đã chiến đấu thật ngoan cường, dũng cảm. Sau này, khi về tiếp quản Thủ đô, việc đầu tiên bố tôi làm là đến thăm, động viên các gia đình có người bị thương, hy sinh trong những ngày lịch sử ấy”.

Bài và ảnh: HÒA BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/trung-doc-chien-giam-chan-dich-680797