Trúng đòn 'triệt hạ' từ phương Tây, Nga và ông lớn Gazprom bớt điêu đứng nhờ được 'chống lưng'?

Một quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từng nói, 'chiến dịch' trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga như một hình thức 'gây sốc và kinh hoàng' về kinh tế.

Trúng đòn ‘triệt hạ’ từ phương Tây, Nga và ông lớn Gazprom bớt điêu đứng nhờ được ‘chống lưng’. (Nguồn: Gettyy Images)

Trúng đòn ‘triệt hạ’ từ phương Tây, Nga và ông lớn Gazprom bớt điêu đứng nhờ được ‘chống lưng’. (Nguồn: Gettyy Images)

Hoạt động của Gazprom - Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào doanh nghiệp nhà nước do ông Alexei Miller, một cộng sự thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, đứng đầu. Lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 41,4% vào năm 2022.

Động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Nga?

Vậy đằng sau sự sụt giảm lợi nhuận là gì? và Gazprom đã đối phó với lệnh trừng phạt như thế nào?

Một tuyên bố được các hãng thông tấn Nga đăng tải, tiết lộ rằng, việc tăng nộp thuế trong nửa cuối năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận của Công ty. "Biên lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi việc tăng thanh toán thuế trong nửa cuối năm", nguồn tin cho biết.

Ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga-Ukraine, dưới các lệnh trừng phạt, nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống của châu Âu từ Nga đã giảm 55% vào năm 2022, theo báo cáo của Diễn đàn Các quốc gia xuất khẩu khí đốt vừa được công bố trong tháng trước.

Để đối phó với những hạn chế do thị trường châu Âu áp đặt, ngoại trừ việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng, Gazprom đã tìm cách chiến lược xoay trục sang châu Á. Cũng có thể coi châu Á đã chống lưng cho không chỉ Gazprom, mà còn đảm bảo cho ngành năng lượng Nga và cả hoạt động kinh tế của quốc gia này.

Đặc biệt, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác kinh tế quan trọng đối với Nga, đặc biệt là kể từ khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt chưa từng có sau chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Hồi tháng 3, Gazprom công bố họ đã đạt kỷ lục về lượng khí đốt hàng ngày cung cấp cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia. Hơn nữa, tổng lượng giao hàng thông qua đường ống đạt mức cao nhất mọi thời đại là 15,5 tỷ m3 trong năm trước.

Tuy nhiên, chuyển hướng xuất khẩu khí sang các thị trường mới đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng đắt tiền và một quá trình mất nhiều thời gian. Theo báo cáo, Gazprom dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 vào năm 2024.

Gazprom sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, sử dụng khoảng nửa triệu nhân viên và do đó họ vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga.

Báo cáo tài chính của Gazprom cho năm 2022 cho thấy lợi nhuận là 1,2 nghìn tỷ Ruble (15 tỷ USD), giảm đáng kể so với mức 2,1 nghìn tỷ Ruble được ghi nhận trong năm trước. Theo một tuyên bố của công ty, do lợi nhuận giảm, hội đồng quản trị đã khuyến nghị giữ lại các khoản chi trả cổ tức.

Các mối ràng buộc quan trọng Nga-châu Á

Như một quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từng nói, “Chiến dịch trừng phạt nhằm vào Nga như một hình thức “gây sốc và kinh hoàng” về kinh tế. Tuy nhiên, sau một cuộc khủng hoảng tài chính ngắn ngủi, Nga đã định tuyến lại phần lớn hoạt động thương mại của mình hướng tới các nền kinh tế châu Á.

Các nền kinh tế châu Á đã đóng vai trò là điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của Nga cũng như các nguồn nhập khẩu mới. Liên kết thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và các nước Trung Á đã thúc đẩy nền kinh tế Nga.

Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 29% năm 2022 và 39% trong quý I/2023. Con số này có thể đạt 237 tỷ USD vào cuối năm 2023, lớn hơn tổng thương mại song phương của Trung Quốc với các nền kinh tế như Australia, Đức...

Năm 2022, thương mại của Nga với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tăng 68%, trong khi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 87%. Thương mại Nga-Ấn Độ tăng 205% lên 40 tỷ USD.

Chuyển hướng xuất khẩu là cứu cánh cho doanh số bán năng lượng của Nga, chiếm một phần lớn trong thương mại của nước này. Tháng 1/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga, trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng/ngày. Đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng mỗi ngày, nhưng xuất khẩu sang châu Á đã tăng lên 2,8 triệu thùng/ngày.

Nhu cầu của châu Á đã bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu. Ấn Độ đã trở thành nước mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, mua hơn 1,4 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu năm 2023. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc theo sát phía sau, mua từ 800.000-1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Trong một năm, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã thay thế hoàn toàn nhu cầu của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Các nhà xuất khẩu châu Á cũng đã lấp đầy một phần khoảng trống do các nhà cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao của phương Tây để lại. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga.

Việc phương Tây rút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nga đã chuyển sang nhập khẩu ô tô châu Âu và Nhật Bản đã qua sử dụng thông qua các nước thứ ba, trong đó ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành những nhà cung cấp vi mạch chính, thứ linh kiện mà Nga đã bắt đầu dự trữ trước xung đột. Năm 2022, các công ty Nga chuyển sang nhập khẩu chip cao cấp hơn, với giá trị nhập khẩu chất bán dẫn và mạch điện tử trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2022 tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Vẫn còn phải chờ xem hiệu quả của các kênh nhập khẩu này về lâu dài như thế nào, nhưng trong ngắn hạn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của phương Tây đã không tạo ra "nạn đói" chip ở Nga.

Các đối tác thương mại của Nga trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng đóng một vai trò trong việc giảm bớt ảnh hưởng của các hạn chế xuất khẩu công nghệ. Các nền kinh tế Trung Á đang hoạt động tích cực như các đường dẫn nhập khẩu song song và thương mại quá cảnh.

Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu kết luận rằng, mặc dù thương mại của Nga với Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đáng kể, song xuất khẩu của EU và Anh sang Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan… đã tăng rõ rệt. Điều này phản ánh việc định tuyến lại thương mại từ các nước này sang Nga. Hiệu ứng định tuyến lại này qua Trung Á là đáng chú ý trong việc nhập khẩu máy móc và các sản phẩm hóa chất.

Tính đến tháng 10/2022, mức tăng hàng năm trong xuất khẩu sang Nga từ Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia gần bằng mức giảm xuất khẩu của châu Âu, Mỹ và Anh sang Nga.

Các nền kinh tế châu Á đóng vai trò là nhà cung cấp thay thế cho nền kinh tế Nga, là khách hàng mới cũng là bên định giá cho xuất khẩu dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, giúp giảm đáng kể tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi các biện pháp trừng phạt đã làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nga, thì nền kinh tế của nước này vẫn được duy trì nhờ sự tái tổ chức thương mại lớn. Sự tham gia của một số nền kinh tế châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore trong các biện pháp trừng phạt tài chính và công nghệ ít có tác dụng, một phần vì quan hệ thương mại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á này với Nga vẫn tiếp tục trong lĩnh vực sản xuất và thương mại năng lượng.

Do đó, sức mạnh thương mại chống lại các biện pháp trừng phạt của châu Á chủ yếu thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như một số nền kinh tế Trung Đông và Trung Á.

Những thực tế địa kinh tế này dường như sẽ làm phức tạp thêm các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong tương lai.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-don-triet-ha-tu-phuong-tay-nga-va-ong-lon-gazprom-bot-dieu-dung-nho-duoc-chong-lung-231148.html