Trung - Đông Âu đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng khi EU trừng phạt Nga
Sau khi Mỹ, Anh và EU tuyên bố các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào Nga, giới phân tích bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đối với một số quốc gia trong khu vực châu Âu.
Sau khi Mỹ, Anh và EU tuyên bố các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào Nga, giới phân tích bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đối với một số quốc gia trong khu vực châu Âu, đặc biệt trong đó là các quốc gia đến từ Trung - Đông Âu, khu vực vẫn đang phải vật lộn với ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang ở đỉnh điểm, việc tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU)... đang khiến cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn và các quốc gia Trung - Đông Âu đang đối mặt với những tác động trực tiếp trước hành động răn đe này.
Hiện tại, Nga là nơi đáp ứng khoảng 25% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu. Với tình thế hiện nay, các chuyên gia cho biết khu vực Trung - Đông Âu có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng từ quyết định trừng phạt này. Theo đánh giá của Viện Vienna về Đông Âu, các quốc gia như Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Litva, Latvia, Ba Lan, Séc và Slovakia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự căng thẳng giữa Nga và châu Âu, điều này cũng càng có cơ sở hơn khi Đức tuyên bố dừng Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Trong lĩnh vực năng lượng, Áo - một trong những quốc gia Trung Âu có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khi đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt thường xuyên từ Nga. Bà Elena Skvortsova, thành viên trong ban lãnh đạo của cơ quan năng lượng OMV của Áo cho biết, lượng dự trữ vào tháng trước của Áo chỉ còn khoảng 20%, nghĩa là chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà tin rằng bất chấp các cuộc khủng hoảng chính trị, Nga vẫn sẽ cung cấp lượng khí đốt như đã thỏa thuận.
Các chuyên gia kinh tế Séc cũng cho biết nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi các lĩnh vực có thế mạnh của Séc đều có liên quan chặt chẽ với sự ổn định của giá cả và nguồn cung năng lượng. Khi giá năng lượng cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất hóa chất, thủy tinh, kim loại, vật liệu xây dựng, đồng thời cũng khiến việc sản xuất ô tô và đồ điện tử sẽ còn đình trệ hơn nữa.
Trước đó, bày tỏ lạc quan trong tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng Ba Lan kiêm Bộ trưởng Tài sản nhà nước Jacek Sasin hôm 20/2 ra tuyên bố, Ba Lan đã sẵn sàng và sẽ không bị ảnh hưởng sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Các kho dự trữ khí đốt của Ba Lan đã được dự trữ 80-90% và hoàn toàn có thể không phụ thuộc tới nguồn cung khí đốt của Nga trong vòng 1 năm tới./.