Trung Đông có làm suy yếu chính sách 'xoay trục' sang châu Á của Mỹ?

Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden hiện phải cân nhắc xem nên chuyển nguồn lực từ các ưu tiên khác sang Trung Đông ở mức độ nào.

Nhiều người ở Mỹ có cảm giác rằng các sự kiện ở Trung Đông đang kéo Washington quay trở lại khu vực. Ảnh: AP

Nhiều người ở Mỹ có cảm giác rằng các sự kiện ở Trung Đông đang kéo Washington quay trở lại khu vực. Ảnh: AP

Theo bình luận của học giả Kerry Boyd Anderson, nhà phân tích, tư vấn lâu năm về các vấn đề an ninh quốc tế và rủi ro chính trị, kinh doanh ở Trung Đông với tờ Arab News, 3 vị Tổng thống Mỹ gần đây nhất đều tìm cách giảm ưu tiên ở Trung Đông và tập trung nguồn lực chính sách đối ngoại vào châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông với xung đột Israel - Hamas một lần nữa chứng tỏ những thách thức đối với nỗ lực “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.

Sau vụ tấn công 11/9/2001, chính quyền George W. Bush đã trải qua hai nhiệm kỳ cầm quyền, tập trung chủ yếu vào Trung Đông. Vào thời điểm Barack Obama trở thành Tổng thống năm 2009, sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến ở Iraq đã giảm sút. Tổng thống Obama theo đó đã chỉ trích chính quyền Bush vì đã tập trung vào cuộc chiến ở Trung Đông mà bỏ qua các lợi ích khác của Mỹ.

Các cố vấn chính sách đối ngoại của ông Obama đã phát triển một chiến lược được gọi là “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương”, trong đó nhấn mạnh rằng “Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương”. Chính quyền Donald Trump cũng nhấn mạnh việc tập trung vào châu Á, đặc biệt là sự cạnh tranh với Trung Quốc. Ông Trump chỉ trích các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và tìm cách giảm sự can dự của quân đội Mỹ vào khu vực, bao gồm cả quyết định gây tranh cãi về việc rút quân khỏi khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria.

Mặc dù vậy, các chính quyền Mỹ hiểu rằng nước này là một cường quốc toàn cầu và vẫn có những lợi ích đáng kể ở Trung Đông. "Xoay trục" sang châu Á là tái cân bằng trọng tâm chính sách đối ngoại để ưu tiên lợi ích và mối quan tâm ở châu Á, nhưng không từ bỏ mọi lợi ích ở Trung Đông. Ví dụ, chính quyền Trump trong khu vực là theo đuổi các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và một số quốc gia Arab, cũng như cách tiếp cận thân thiện với Israel trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Chính quyền Trump cũng tích cực theo đuổi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran và sau đó sử dụng đòn bẩy đó để đàm phán lại về chương trình hạt nhân của Tehran.

Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, ông đã theo đuổi chính sách đối ngoại thời Obama và Trump nhằm ưu tiên Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Biden đã giảm mạnh ưu tiên ở Trung Đông. Các quan chức chính quyền Biden nói rõ rằng họ sẽ không dành nhiều nguồn lực cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Mặc dù Tổng thống Biden vẫn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, khôi phục viện trợ cho người Palestine và tìm cách mở rộng Hiệp định Abraham, nhưng mặt khác phần lớn muốn tránh can dự sâu rộng vào khu vực.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Trong quá khứ, một số diễn biến lớn trong khu vực đã làm phức tạp thêm những nỗ lực "xoay trục" sang châu Á của Mỹ. Cái gọi là Mùa xuân Arab, cuộc cách mạng ở Libya, cuộc nội chiến ở Syria và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, tất cả đều thu hút sự chú ý về chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược khu vực và toàn cầu được hoạch định cẩn thận của Washington buộc phải thích ứng với thực tế mới.

Và vào đầu tháng này, Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Gaza và gia tăng bạo lực ở Bờ Tây. Giống như các chính quyền Mỹ trước đây cảm thấy buộc phải phản ứng trước những sự kiện như Mùa xuân Arab, sự trỗi dậy của IS và các diễn biến khác trong khu vực, giờ đây, chính quyền Biden cho rằng Mỹ cần phải tích cực ứng phó một cách mạnh mẽ. Do đó, nhiều người trong cộng đồng hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ có cảm giác rằng các sự kiện ở Trung Đông đang tiếp tục kéo Washington quay trở lại khu vực.

Động thái mới nhất khiến Washington chú ý đến Trung Đông nhấn mạnh rằng các tổng thống Mỹ có thể phát triển các chiến lược lớn với các ưu tiên khu vực mà họ ưa thích, nhưng sẽ luôn có những sự kiện làm suy yếu khả năng theo đuổi mục tiêu của họ. Giống như cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và sự tái phân bổ nguồn lực đáng kể, cuộc chiến mới nhất ở Trung Đông cũng làm gián đoạn nỗ lực xoay trục sang châu Á của Washington.

Nhưng câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ chú ý đến Trung Đông như thế nào? Là một cường quốc toàn cầu, Mỹ có lợi ích chiến lược mạnh mẽ ở Trung Đông, xét đến vị trí địa chiến lược của khu vực, tầm quan trọng của dầu khí đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như những lo ngại về vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố có thể đe dọa người Mỹ. Hơn nữa, khi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng, việc đối trọng với Bắc Kinh có thể đòi hỏi Washington phải có hành động ở Trung Đông.

Tóm lại, chính quyền Biden hiện phải quyết định xem nên chuyển nguồn lực từ các ưu tiên khác sang Trung Đông ở mức độ nào để ứng phó với cuộc chiến mới nhất. Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ sẽ nói lên nhiều điều với thế giới về những ưu tiên của ông và cách ông xác định lợi ích của Mỹ.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Arabnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-dong-co-lam-suy-yeu-chinh-sach-xoay-truc-sang-chau-a-cua-my-20231031172734043.htm