Trung Đông: Nơi cạnh tranh lợi ích Mỹ - Nga
Khu vực Trung Đông vốn là tâm điểm va chạm về lợi ích địa chính trị, quân sự, kinh tế giữa các cường quốc trên thế giới.
Tại đây đang diễn ra những cạnh tranh quyết liệt giữa các bên liên quan mà đại diện là Nga và Mỹ.
Mỹ không rời bỏ Trung Đông
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Mỹ - cường quốc số 1 thế giới tưởng rằng chủ nghĩa đơn cực đã thắng để Washington rộng đường tự do sắp đặt trật tự thế giới, thế nhưng mọi việc không như mong muốn của Mỹ.
Bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, hàng loạt quốc gia trỗi dậy thách thức vị thế của Mỹ và chủ nghĩa đơn cực như Mỹ mong muốn đã không duy trì được buộc Mỹ phải tính toán lại chiến lược của riêng mình, trong đó có khu vực Trung Đông. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ đã hết thời ở khu vực này để nhường chỗ cho các cường quốc khác.
Năm 2015, đáp ứng đề nghị của Tổng thống Syria Al-Assad, Nga đã có mặt tại Syria hỗ trợ đồng minh duy nhất còn lại tại khu vực Trung Đông dần đánh bại các nhóm phiến quân, làm chủ tình hình. Đến nay, chỉ còn tỉnh Idlib - phía tây Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ là cứ điểm cuối cùng của phiến quân.
Sự can dự của Nga đã làm cục diện chiến trường Syria thay đổi, khiến các nước trong khu vực có cái nhìn khác đối với Mosocw. Nga hiểu rất rõ về đặc điểm chế độ cầm quyền và tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực đã thúc đẩy các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi coi Nga như một đối tác chứ không phải kẻ thù.
Thành công của Nga tại Trung Đông là ngoài việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad đánh bại phiến quân, Moscow còn có quan hệ tốt với Isra, Saudi Arabia - những đồng minh thân cận của Mỹ. Ngoài ra, Nga còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước trong Hội đồng hợp tác vùng vịnh. Hiện Nga có thể giao thiệp với tất cả các bên xung đột tại khu vực và giữ vai trò người hòa giải giữa các bên, chính điều này đã nâng tầm lợi ích địa chính trị của Nga tại khu vực.
Một khía cạnh khác mà Mỹ và EU đánh giá sai lầm về mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Cả Moscow và Ankara đều có mối quan tâm lớn đối với Syria. Trong khi Nga ủng hộ Tổng thống Syria Al-Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một nhánh phiến quân chống chính phủ Syria.
Một liên minh Nga-Thổ hình thành trên những mâu thuẫn lợi ích sâu sắc giữa 2 bên. Do đó, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria nổ ra sẽ gây tổn hại cho mối quân hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới phân tích, mối quan hệ này không thể bị cắt đứt như mong muốn của Mỹ và đồng minh bởi Nga hiện cung cấp 55% lượng khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng bán hệ thống phòng thủ S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp phản đối của Mỹ.
Nga – Mỹ cùng hiện diện tại Trung Đông?
Qua nhiều thập kỷ can dự vào khu vực Trung Đông, tiêu tốn khá nhiều tiền của nước Mỹ nhưng bất ổn vẫn hiện hữu trong khu vực. Do đó có thể rút ra kết luận cả kinh tế và chính trị rằng Trung Đông chính là nơi tiêu hao nhiều tiềm lực kinh tế của nước Mỹ và sức lực của các nhà lãnh đạo Mỹ.
Cựu Tổng thống Barak Obama đã nói “cho dù Trung Đông đặc biệt quan trọng đối với Mỹ thì một mình Washington cũng không có cách nào thay đổi tình hình ở đó”.
Đúng như vậy, một mình Mỹ không thể thay đổi được tình hình Trung Đông chừng nào trong chính sách của Mỹ với khu vực này còn “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ngược lại, một mình Nga cũng không thể thay đổi được tình hình nóng bỏng tại khu vực bất ổn này.
Một điều hiển nhiên đang diễn ra là thế giới không thể chứng kiến “cuộc đấu tay đôi” giữa Mỹ và Nga trong khu vực này như những đồn đoán của một số lãnh đạo và giới phân tích ủng hộ chính sách của Mỹ. Minh chứng cụ thể là tại chiến trường Syria va chạm giữa Mỹ - Nga hầu như không có. Điều đó chứng tỏ hai bên đều kiểm soát được tình hình.
Do vậy cả Mỹ và Nga đều có thể hiện diện tại Trung Đông và tầm ảnh hưởng của mỗi bên lớn đến đâu trong khu vực phụ thuộc vào chiến lược và cách tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực, của các bên muốn thể hiện quyền lực tại khu vực.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/trung-dong-noi-canh-tranh-loi-ich-my---nga-128937