Trung Đông thừa dầu, thiếu nước

Bên cạnh mỏ khí khổng lồ luôn là một nhà máy cấp nước. Ở Oman, cũng như những nước khác trong khu vực Trung Đông, hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch luôn cần rất nhiều nước, trong khi nguồn nước lại cực kỳ khan hiếm.

Tại cửa ngõ Roub al-Khali, biển cát lớn nhất thế giới, từ cuối năm 2017, Tập đoàn BP của Anh đã cùng Oman Oil khai thác mỏ khí lớn nhất Oman. Có tổng cộng khoảng 300 giếng khoan hoạt động trong khoảng thời gian từ 20-30 năm tại khu mỏ này.

Cơ sở Khazzan của BP ở Oman

Cơ sở Khazzan của BP ở Oman

“Để khoan xuống 5.000m phải có nước, vì nước cần thiết cho phương pháp nứt gãy thủy lực” - Stewart Robertson, Giám đốc vận hành cơ sở Khazzan của BP, nói với AFP - “Đá dưới lòng đất giống như một miếng bọt biển lớn với các lỗ nhỏ, chúng tôi bơm nước vào và áp lực nước sẽ từ từ làm nứt các lỗ nhỏ đó để khí thoát ra”.

Để cung cấp nước cho các giếng khoan tại Oman, Veolia Technologies, công ty khai thác và quản lý nước của Pháp, đã xây dựng một cơ sở sản xuất 6.000m3 nước mỗi ngày. BP là khách hàng lớn của Veolia. Ống dẫn nước được nối trực tiếp từ nhà máy của Veolia, đi đoạn đường 50km đến khắp các giếng khoan của BP. Nhưng trước khi được bơm vào giếng khai thác, nước phải được xử lý để đạt mức “siêu tinh khiết”, phải được khử oxy để chống ăn mòn nồi hơi, cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho nhân viên làm việc tại các cơ sở dầu khí. “Nếu chúng tôi không cung cấp nước có chất lượng cần thiết, các giếng khoan của BP sẽ dừng hoạt động”, Xavier Vidal, Giám đốc vận hành nhà máy của Veolia, nói.

Theo Jean-François Nogrette, Phó chủ tịch Veolia, những gì chúng ta thấy ở đây báo hiệu các kịch bản cho trong những năm tới ở nhiều khu vực của vùng Vịnh. Nhiên liệu gần bề mặt đã được khai thác gần hết, chỉ còn những mỏ ở sâu, khai thác sâu sẽ cần nhiều nước hơn.

Chiếm 6% dân số thế giới nhưng Trung Đông chỉ sở hữu 1% nguồn nước tái tạo của trái đất. Cộng với biến đổi khí hậu, hạn hán và tăng dân số, tình trạng thiếu hụt nước ngày càng trầm trọng. Các nước Trung Đông chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, nước mưa, sông và lọc nước biển.

Cho đến nay, dầu cũng thường xuyên được khai thác bằng khí đốt, đặc biệt là ở Arập Xêút. Nhưng khí đốt ngày càng có giá nên các nhà khai thác đang chuyển sang dùng nước. Saudi Aramco đã thí điểm một số dự án với việc dùng nước thay cho dùng khí để khai thác dầu. Trong khi đó, ở mỏ Khazzan, nước dùng trong khai thác không được BP tái chế mà cho bốc hơi trong hồ chứa rộng 30ha vì thực tế mua nước từ Veolia còn rẻ hơn chi phí bỏ ra để tái chế nước đã dùng trong khoan dầu khí.

Hầu hết tại các giếng khai thác, dầu hoặc khí ra khỏi mỏ luôn đi kèm với nước. Thường để khai thác được một thể tích dầu nhất định người ta phải cần 2-3 thể tích nước. Nhưng các nhà khai thác không tái chế nước, ngay cả khi có các giải pháp kỹ thuật, ông Jean-François Nogrette lưu ý. Đây đơn giản là bài toán kinh tế. Tái chế nước từ các giếng khoan tốn nhiều chi phí hơn tiền mua nước sạch.

“Thế giới dầu mỏ cần thay đổi, bắt đầu từ những cơ sở của Total hoặc BP. Khí tự nhiên, cũng như khí đá phiến hoặc dầu phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên nước”, Charles Iceland, chuyên gia tại Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho biết.

Nhưng trong tương lai, Trung Đông sẽ ngày càng cần nhiều năng lượng hơn cho tiêu dùng của chính mình. Do đó, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi các nước sản xuất điện bằng các tấm pin mặt trời, không cần nhiều nước. Ở giai đoạn hiện nay, việc khai thác hydrocarbon, nhất là khí đốt, đang bùng nổ trên toàn thế giới.

Tại Oman, doanh thu từ dầu khí chiếm 3/4 ngân sách quốc gia. BP đang mở rộng cơ sở Khazzan, tăng thêm 50% công suất để đạt 42 triệu m3 khí mỗi ngày vào năm 2020. Vào tháng 10-2019, Oman đã ký hợp đồng thăm dò với Shell ở phía Đông Nam đất nước. Gần mỏ Khazzan, BP và ENI cũng sẽ thăm dò một khối khác, rộng hơn 2.700km2. Veolia hy vọng sẽ tăng gấp đôi hoạt động tại Trung Đông từ nay đến năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ tăng từ 790 triệu euro lên hơn 1,2 tỉ euro.

“Nước sinh hoạt là thứ quan trọng nhất đối với chúng tôi”, Abdallah Al-Harthy, một người Oman nói. Ở đất nước thuộc bán đảo Arập này, nhờ chính phủ có các nhà máy khử mặn nước biển để lấy nước ngọt sinh hoạt nên cuộc sống người dân bớt ngột ngạt, ngay cả khi kỹ thuật này còn có nhiều hạn chế, nhất là về môi trường.

Chiếm 6% dân số thế giới nhưng Trung Đông chỉ sở hữu 1% nguồn nước tái tạo của trái đất. Cộng với biến đổi khí hậu, hạn hán và tăng dân số, tình trạng thiếu hụt nước ngày càng trầm trọng. Các nước Trung Đông chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, nước mưa, sông và lọc nước biển.

Theo thông cáo của Liên Hiệp Quốc, sự gia tăng nhu cầu về nước ngọt do dân số tăng lên cộng với quá trình di cư thường xuyên, do nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, cùng với những tác động của sự thay đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thiếu nước ngày càng tăng.

Báo cáo mới đây của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận nguồn nước ngọt tiếp tục giảm mạnh hoặc bị khai thác quá mức tại 19 điểm nóng trên thế giới, từ Trung Đông đến Ấn Độ. Theo báo cáo, hai trong số những điểm khô hạn nhất thế giới hiện nay là Iraq và Syria với các nguồn nước hiện thấp hơn 1/3 mức thông thường. Giới phân tích ước tính cần đến 100 tỉ USD mỗi năm để cung cấp đủ nước ngọt cho những nơi khô hạn.

Ngồi trên mỏ vàng đen khổng lồ nhưng nước mới là yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thậm chí hòa bình của khu vực Trung Đông. Viễn cảnh một số quốc gia Trung Đông phải đổi dầu lấy nước là rất thật.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-dong-thua-dau-thieu-nuoc-558848.html