Trung học phổ thông tự chủ, lợi ích người học phải là mục tiêu hàng đầu
Tự chủ tại các trường Trung học phổ thông là tự chủ về mặt quản lý, trong đó có quản lý tài chính, nguồn lực, kế hoạch và thực hiện vì lợi ích của người học.
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đề xuất phương án nâng mức tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục theo hướng phát triển trường chất lượng cao…
Đến thời điểm hiện tại, sau thời gian dài được tự chủ về tài chính, trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa - Hà Nội) là trường học đầu tiên được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tư Giáo dục Việt Nam về vấn đề tự chủ tại các trường trung học phổ thông thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Cần phải hiểu đúng về tự chủ tại các trường trung học phổ thông cũng như mục tiêu hướng đến của việc thực hiện tự chủ.
Trao quyền tự chủ cho trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện cơ hội học tập có chất lượng cho học sinh
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, nếu không đẩy mạnh xã hội hóa, không huy động các nguồn lực từ xã hội sẽ rất khó để tạo được sự phát triển mạnh mẽ cho ngành giáo dục.
Phương án tự chủ là cách tạo điều kiện cho các trường trung học phổ thông hoạt động tích cực hơn, phát triển hơn, tránh tình trạng bị động.
Hiện nay, rào cản lớn nhất cho đổi mới giáo dục nói chung và cho các cơ sở giáo dục công lập nói riêng là sự tách rời quản lý: Việc - Tiền và Người ở nhiều địa phương.
“Xây dựng và thực hiện kế hoạch công việc thì nhà trường thực hiện nhưng nguồn lực tài chính và nguồn lực con người lại nằm ở các sở khác quyết định khiến cấp thực hiện kế hoạch khó có thể đổi mới mạnh mẽ do chịu sự ràng buộc nói trên.
Một người cầm lái mà chịu nhiều người "đạp phanh", "đạp chân ga" thì rất khó cho sự vận hành nhịp nhàng”, Tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Mặt khác, do nguồn lực ngân sách hạn chế, nhu cầu của người dân là được học tập chất lượng cao nhưng chất lượng giáo dục không đáp ứng và còn nhiều chênh lệch giữa các trường trên các địa bàn quận (huyện). Đây là một trong những thách thức của giáo dục hiện nay.
Có trường điểm tuyển đầu vào lớp 10 rất cao, quy mô lớp học thường cao, trong khi nhiều trường điểm tuyển đầu vào rất thấp và qui mô không cao.
Việc đổi mới quản lý trường phổ thông công lập theo hướng thúc đẩy mô hình quản lý dựa trên nhà trường (shool-based management) làm tăng quyền tự chủ quản lý của nhà trường sẽ giúp đảm bảo điều kiện học tập tốt hơn ở các trường công lập, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người học nhưng vẫn đáp ứng được chất lượng giáo dục theo mong muốn, nhu cầu của xã hội.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết: “Hiện nay, có nhiều trường tư chất lượng giáo dục rất tốt nhưng học phí cũng rất đắt, dù vậy, nhiều gia đình khá giả vẫn đăng ký cho con theo học do chất lượng dịch vụ giáo dục tốt hơn.
Đưa ra phương án tự chủ cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục sẽ tạo nên sự phát triển hài hòa giữa hệ thống các trường công lập và ngoài công lập, để người học có cơ hội được hưởng nền giáo dục chất lượng”.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, trong thực tế với mô hình quản lý đang phổ biến việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn, vấn đề ép học thêm sẽ vẫn còn diễn ra, cộng thêm các khoản phụ thu khác sẽ dẫn tới tốn kém, tạo tâm lý bức xúc trong xã hội đối với ngành giáo dục ở các thành phố lớn.
Chính vì vậy, tự chủ quản lý ở các trường trung học phổ thông sẽ làm cho nhà trường tích cực chủ động triển khai các công việc của mình cùng với sự hỗ trợ đóng góp của người dân sẽ có thể tháo gỡ dần những khó khăn của ngành giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để nhà nước có kinh phí đầu tư phát triển giáo dục cho những khu vực còn khó khăn ở Hà Nội.
Trao quyền tự chủ cho các trường cũng đồng thời giúp đảm bảo được việc tuyển dụng được giáo viên giỏi và có điều kiện nâng cao chất lượng, phát triển bền vững nhà trường.
Sụ thu hút bằng lương cao, đãi ngộ tốt của các trường ngoài công lập đối với giáo viên giỏi đang là một thách thức lớn với các trường công lập Thủ đô khi muốn giữ chân giáo viên giỏi.
Thực hiện tự chủ là tạo cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để các trường chủ động trong hoạt động của mình, nâng cao chất lượng giáo dục và cũng là cách để có sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục ở những khu vực khác nhau của thành phố.
Tự chủ về mặt tài chính không có nghĩa là nhà nước không còn đầu tư, hỗ trợ. Khi người dân có sự đóng góp thì nhà nước sẽ bớt một phần ngân sách để phát triển giáo dục ở những khu vực điều kiện còn khó khăn, đảm bảo cho mọi người quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục có chất lượng.
Gỡ bỏ vướng mắc còn tồn tại trên hệ thống văn bản pháp luật
Theo quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, muốn thực hiện tự chủ tại các trường trung học phổ thông thành công thì cần phải lấy lợi ích của người học làm mục tiêu trung tâm.
Nếu triển khai tự chủ tại các trường làm tốt, chất lượng giáo dục được nâng cao, người dân sẽ hài lòng, đặt niềm tin và cùng đóng góp cho ngành giáo dục phát triển.
"Tự chủ tại các trường trung học phổ thông là làm sao để ai cũng có quyền được học, không để người dân sử dụng dịch vụ giáo dục chất lượng thấp hơn khi người dân không có điều kiện cho con học trường ngoài công lập với mức học phí cao.
Mục tiêu tổng quát vì người học nên cần đảm bảo điều kiện học tập tối thiểu ở các trường công nói chung và sẽ có những trường chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận người dân", Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nêu ra bốn vấn đề quan trọng khi thực hiện tự chủ tại các trường trung học phổ thông ở Hà Nội.
Thứ nhất, tự chủ là phải hình thành một Hội đồng trường có năng lực quản trị thực chất để có thể giao quyền, trách nhiệm điều hành cho hiệu trưởng.
Hiệu trưởng phải là người có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Hiệu trưởng cũng rất cần qua những lớp đào tạo bài bản về nghiệp vụ, về quản lý, phải được trải nghiệm và có phẩm chất tốt, thấm đẫm văn hóa dân chủ.
Muốn vậy, cũng cần thay đổi cách tuyển dụng, bổ nhiệm mang tính cạnh tranh công bằng nhằm chọn được người tài lãnh đạo, quản lý trường học.
Nếu người hiệu trưởng không có năng lực, yếu kém về phẩm chất thì tự chủ rất có thể chỉ là hình thức. Hiệu trưởng ở trường phổ thông sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý khác với trường đại học còn có các phòng ban giúp việc.
Hiệu trưởng phải có năng lực quản lý chiến lược, quản lý nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, quản lý nhân sự liên quan đến kỹ năng tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng giáo viên, bổ nhiệm, khen thưởng...), quản lý chương trình giáo dục, quản lý chất lượng, quản lý học sinh...và quản lý các mối quan hệ với phụ huynh, cộng đồng cũng như các đối tác khác.
Thứ hai, cần phải đổi mới công tác quản lý. Bên cạnh vấn đề về tăng cường năng lực quản lý cho lãnh đạo nhà trường cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường học, giúp cho việc ra các quyết định quản lý kịp thời, hiệu quả.
Việc này cũng giúp cho quá trình lãnh đạo quản lý vận hành nhà trường được công khai minh bạch. Địa phương cần có kế hoạch giám sát và đánh giá hiệu quả và những tác động việc tự chủ về tài chính ở một số trường trong thời gian qua để kịp thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.
Thứ ba, cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và gỡ bỏ những vướng mắc còn tồn tại để thực hiện đổi mới quản lý theo hướng tự chủ.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, hệ thống pháp luật còn có nhiều rào cản đối với quá trình triển khai tự chủ cho các trường học. Chính vì vậy, việc cần làm là gỡ bỏ những vướng mắc, những rào cản, đặc biệt vướng mắc về quản lý nhân sự, quản lý tài chính nhằm tạo hành lang pháp lý cho thực hiện tự chủ.
Một số quy định về tuyển dụng cần phải thay đổi. Tự chủ dẫn tới cạnh tranh với nguồn lực, nguồn tuyển giáo viên giỏi. Nhà trường không thể tuyển giáo viên năng lực yếu kém về dạy một ngôi trường chất lượng, muốn vậy, họ cần được tháo bỏ những bất cập trong tuyển dụng giáo viên hiện nay.
Ngoài ra, những quy định về tuyển sinh như yêu cầu tuyển sinh đúng tuyến,... cũng cần xem xét phải thay đổi, để người dân có nhiều lựa chọn khi trường học đã thực hiện tự chủ.
Thứ tư, cần tăng cường các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên, tăng cường sự tự chủ, mở rộng dân chủ cho toàn trường từ học sinh đến giáo viên. Giáo viên phải được tạo điều kiện có tiếng nói của mình, dám lên tiếng trong quá trình dân chủ hóa nhà trường.
Đổi mới quản lý trường học luôn gặp thách thức từ nhiều phía do tâm lý, thói quen suy nghĩ và niệm tín vào đổi mới. Nếu giáo viên không tích cực tham gia vào quá trình đổi mới sẽ không có đổi mới quản lý nào đi đến đích.
Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thực hiện tự chủ nên thí điểm tại một số trường học để từng bước tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện cơ chế vận hành.
Song song với việc thực hiện tự chủ đối với các trường công lập thì cần huy động các nguồn lực về đất đai, tài chính và con người ở bên ngoài để mở các trường tư nhằm giãn quy mô học sinh ở các trường công lập.
Về vấn đề chuyển đổi mô hình trường công lập sang trường tư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng điều này là không nên.
“Tự chủ không có nghĩa nhà nước không đầu tư, không chi ngân sách mà tự chủ là trao quyền quản lý cho nhà trường, để nhà trường tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, không bỏ lại ai ở phía sau trên cơ sở điều hòa lại nguồn lực xã hội theo cơ chế mới”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Tóm lại, tự chủ tại các trường trung học phổ thông không chỉ là giải quyết bài toán khó về ngân sách eo hẹp trong điều kiện nhiều người muốn học tập có chất lượng tốt mà còn tạo ra nhiều trường học năng động hơn trong lãnh đạo, quản lý, đổi mới giáo dục.
Mọi đổi mới trong quản lý nhà trường phổ thông không chỉ vì lợi ích của nhà trường mà cái chính phải vì người học, vì sự phát triển của giáo dục nói chung.