Trung - Nhật - Hàn ra tuyên bố chung, nhất trí đẩy nhanh đàm phán FTA

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ban hành tuyên bố chung bao gồm hợp tác trong một loạt lĩnh vực từ thương mại đến biến đổi khí hậu và già hóa dân số.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc họp báo chung ở Seoul vào ngày 27/5. Ảnh: New York Times

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc họp báo chung ở Seoul vào ngày 27/5. Ảnh: New York Times

Tuyên bố này được nhất trí sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul vào ngày 27/5.

Dưới đây là một số thỏa thuận chính trong tuyên bố chung của ba nước:

Hợp tác ba bên

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cố gắng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên và các cuộc họp cấp bộ trưởng một cách thường xuyên, đồng thời nỗ lực đảm bảo rằng người dân ở ba nước "có thể được hưởng những lợi ích thực chất bắt nguồn từ sự hợp tác này". Nhật Bản là quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo.

Giao lưu nhân dân

Họ đặt mục tiêu tăng số lượng trao đổi, giao lưu nhân dân lên tới 40 triệu người vào năm 2030 thông qua trao đổi về văn hóa, du lịch và giáo dục.

Biến đổi khí hậu

Cả ba quốc gia đều nhận thức được sự cần thiết phải hợp tác cùng nhau trong quá trình chuyển đổi hướng tới mức phát thải khí nhà kính bằng 0 và trung hòa carbon. Họ cam kết sẽ có hành động kiên quyết và hỗ trợ các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận chung Paris.

Bảo tồn

Ba quốc gia nhất trí hợp tác để giảm bụi và bão cát ở Đông Á. Họ cũng sẽ thúc đẩy bảo tồn biển và nỗ lực hoàn thiện một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, cũng như hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.

Hợp tác kinh tế và thương mại

Các nước nhất trí ủng hộ thảo luận nhằm đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ba bên. Họ tái khẳng định sự ủng hộ đối với một hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Họ cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo một sân chơi bình đẳng toàn cầu nhằm thúc đẩy một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán được".

Ba nước cũng tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở và thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng.

Y tế và già hóa dân số

Ba nước đã thông qua tuyên bố chung về ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Họ cũng nhất trí cùng nhau giải quyết các thách thức về tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số thông qua trao đổi giữa chính phủ và các chuyên gia.

Hòa bình khu vực và quốc tế

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định lợi ích và trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á. Các nước nhắc lại quan điểm về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và vấn đề bắt cóc.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thống nhất tổ chức hội nghị ba bên hàng năm từ năm 2008 để thảo luận về hợp tác khu vực. Nhưng kế hoạch này thường xuyên bị gián đoạn bởi những tranh cãi ngoại giao và gần đây nhất là do đại dịch Covid-19.

Hội nghị ngày 27/5 tại Seoul là hội nghị thượng đỉnh ba bên thứ 9 giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ năm 2008, nhưng là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019 khi họ tìm cách phục hồi quan hệ kinh tế và an ninh.

Nội dung thảo luận tại hội nghị lần này được truyền thông thế giới chú ý là việc Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản, Hàn Quốc từ chối "chủ nghĩa bảo hộ".

Phản đối việc biến kinh tế, thương mại thành "trò chơi chính trị"

Theo đài CNBC, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối "chủ nghĩa bảo hộ" và duy trì thương mại tự do. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết ông phản đối việc biến các vấn đề kinh tế và thương mại thành "trò chơi chính trị hoặc vấn đề an ninh", truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin khi ông gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Thủ tướng Lý Cường cho rằng ba nước nên coi nhau là "đối tác và cơ hội để phát triển", theo Tân Hoa xã.

Bình luận trên đài CNBC, ông Stephen Nagy, giáo sư tại Đại học International Christian University (Nhật Bản), đánh giá rằng hội nghị ba bên lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định mối quan hệ giữa ba nước ngay cả khi không "đi đến một loại sáng kiến cụ thể nào đó".

GS. Nagy cho rằng Trung Quốc muốn lôi kéo cả Hàn Quốc và Nhật Bản ra khỏi các sáng kiến mà Mỹ đã đặt ra trên bàn đàm phán.

"Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có thành công to lớn trong việc gắn kết Seoul, Tokyo và Washington thông qua các nguyên tắc của Trại David (khu vực nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ và những khách mời - BTV)", GS. Nagy nhận định.

Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn lần này diễn ra vào thời điểm an ninh khu vực được đặt lên hàng đầu, trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Ngay trước hội nghị, Triều Tiên đã công bố kế hoạch phóng tên lửa.

Ở góc độ kinh tế, ông Tobias Harris, phó giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ German Marshall Fund (Mỹ), cho rằng Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà Nhật Bản và Hàn Quốc khó có thể bỏ qua.

"Đó là một thị trường lớn, tôi không nghĩ bất kỳ ai trong số họ có thể bỏ qua Trung Quốc như một thị trường để bán hàng", ông Harris đánh giá, đồng thời nói thêm rằng thị trường rộng lớn này sẽ là một thách thức trong tương lai.

Ba quốc gia Đông Á chiếm hơn 1/5 sản lượng kinh tế toàn cầu và họ cần sự ổn định và hợp tác trong khu vực, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng, để phục hồi sau suy thoái kinh tế sau đại dịch.

Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc coi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của họ, với 80.000 lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ, nhưng các nhà lãnh đạo của họ đã phải đối mặt với áp lực trong nước khi các doanh nghiệp của họ đang cạnh tranh để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Theo New York Times, Trung Quốc đang đánh cược rằng nước này có thể lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách cho phép tiếp cận thị trường này nhiều hơn và giảm bớt một số ảnh hưởng của Washington. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa ba nước láng giềng, nhấn mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng hơn như một phương tiện để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Mỹ được cho là can thiệp vào các vấn đề châu Á, gây áp lực buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải thành lập một “khối” nhằm kiểm soát sự phát triển của Trung Quốc. Washington đã áp đặt một bức tường hạn chế để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các chất bán dẫn mới nhất và đang kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác trong vấn đề này.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm 27/5 đã kêu gọi một trật tự thế giới "đa cực" và phản đối mọi nỗ lực nhằm tạo ra "các khối" và "chính trị hóa" các vấn đề thương mại.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở nên thân thiết hơn, cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng do tranh chấp lịch sử. Họ cũng đã mở rộng hợp tác quân sự ba bên với Mỹ.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết khó khăn ngày càng tăng khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung---nhat---han-ra-tuyen-bo-chung-nhat-tri-day-nhanh-dam-phan-fta-d216192.html