Trừng phạt kiểu Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì quan hệ quan hệ quốc phòng với Nga.
Theo hãng thông tấn Sputnik Nga ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cấm vận Cơ quan Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) và 4 quan chức hàng đầu cơ quan này theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken quyết định cấm vận SSB cùng 4 quan chức cơ quan này, gồm chủ tịch Ismail Demir, phó chủ tịch Faruk Yigit, trưởng bộ phận phòng không và vũ trụ Serhat Gencoglu, và quản lý chương trình Mustafa Alper Deniz.
SSB cùng các quan chức trên bị cấm vận vì mối quan hệ với lĩnh vực quốc phòng và tình báo Nga. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng SSB "cố ý thực hiện một giao dịch với một người trực thuộc hoặc làm việc nhân danh các lĩnh vực quốc phòng và tình báo của chính phủ Liên bang Nga".
SSB là cơ quan dân sự do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập nhằm quản lý về công nghiệp quốc phòng và công nghệ liên quan. Lệnh trừng phạt là một phần trong "Luật chống lại việc xuất khẩu vũ khí của Nga" do các nghị sĩ Adam Kinzinger, Abigail Spahnberger và Michael McCall soạn thảo.
Trước khi chính thức được công bố, lệnh trừng phạt đã nhận được sự đồng thuận lớn tại Mỹ. Điều đặc biệt là trước khi công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ, hồi đầu năm 2021, Thượng viện Mỹ công bố thông tin gây bất ngờ lớn, đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình máy bay tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tham gia chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ, bất chấp quyết định của Mỹ loại trừ Ankara ra khỏi chuỗi cung ứng do mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trước đó.
"Việc loại Thổ khỏi chuỗi cung ứng được Quốc hội thông qua, được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump ký kết đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả của việc mua hệ thống S-400 và công nghệ quốc phòng của Nga.
Nhưng thật không may, tín hiệu mạnh mẽ này đã bị hủy bỏ bởi sự chậm trễ và không dứt khoát trong việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chuỗi cung ứng của phía Mỹ", tuyên bố của Thượng viện Mỹ cho biết.
Mặc dù vậy, nguồn tin này không tiết lộ có nối lại thương vụ F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Việc đồng ý để Thổ tiếp tục tham gia chương trình sản xuất F-35 được Mỹ đưa ra khá đường đột nhưng thông tin này không quá bất ngờ.
Bởi nó được đưa ra gần như cùng thời điểm Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) thừa nhận, thiếu linh kiện Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề nghiêm trọng với cả chương trình F-35 hiện nay.
Việc loại bỏ toàn bộ linh kiện do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn đề không thực sự tốt của cả chương trình máy bay F-35.
"Số lượng linh kiện giao muộn tăng lên đến 60% so với trước đây. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành và chuyển giao máy bay. Cùng với đó, nó cũng tác động không nhỏ đến quá trình bảo dưỡng và thay thế linh kiện với những chiếc F-35 đang vận hành", GAO tuyên bố.
Tuyên bố cũng đồng thời cho thấy, vai trò của Thổ không thể thiếu với cả chương trình máy bay tàng hình F-35 vào lúc này và Ankara biết quá rõ thế mạnh của mình.