Trung Quốc, Ấn Độ nhất trí hợp tác giải quyết tranh chấp ở biên giới
Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí đưa ra thêm biện pháp giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, sau thất bại trong các vòng đàm phán quân sự trước đó.
Trong một cuộc họp trực tuyến về Cơ chế làm việc để Tham vấn và Hợp tác về các vấn đề biên giới Trung-Ấn, giới chức đến từ hai nước cũng nhất trí tiếp tục thông tin liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để tổ chức thêm một vòng đàm phán cấp tướng lĩnh khác, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hai bên sẽ “tiếp tục những nỗ lực của mình để thúc đẩy giảm thang căng thẳng ở biên giới và nỗ lực chuyển dịch từ kiểm soát khẩn cấp sang kiểm soát bình thường sớm nhất có thể”, tuyên bố nêu rõ. Hai bên đã có “cuộc trao đổi quan điểm thực chất và chuyên sâu” về diễn biến mới nhất dọc biên giới, và nhất trí tuân thủ nghiêm ngặt sự đồng thuận mà hai quân đội đã đạt được trước đó.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng hai bên nhất trí về sự cần thiết phải tìm một giải pháp cho tranh chấp của họ sớm nhất có thể, cùng lúc tuân thủ các thỏa thuận song phương để vãn hồi hòa bình.”Hai phía cũng nhất trí rằng nên đảm bảo tình hình ổn định và tránh mọi sự việc không mong muốn”, cơ quan này nói.
Cuộc họp bàn về cơ chế làm việc lần thứ 23 được tổ chức giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong cuộc họp cấp cao tổ chức trong tháng trước, quân đội hai nước đổ lỗi lẫn nhau vì không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp kéo dài 18 tháng.
Cả hai bên đều tăng cường sự hiện diện quân sự gần khu vực biên giới. Quân đội Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tổ chức một số cuộc tập trận sát biên giới với Ấn Độ, và kênh truyền hình nhà nước CCTV tuần trước nói rằng ít nhất 1 máy bay ném bom tầm xa chiến lược H-6, được trang bị tên lửa tầm ngắn KD-63, đã được triển khai tới biên giới.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa Đông. Hôm 17/11 vừa qua, họ cho hay đã thực hiện các cuộc huấn luyện vận chuyển đường không “để tăng cường khả năng hậu cần cho khu vực phía Bắc và để tích trữ nhu yếu phẩm mùa Đông cho các khu vực hoạt động”, chỉ 2 tuần sau khi thực hiện các cuộc tập huấn tương tự ở Ladakh. Tờ Hindustan Times cho hay, 50.000 – 60.000 binh sĩ, cùng các trang thiết bị hiện đại, đã được triển khai tới Ladakh để đối phó với Trung Quốc.
Hai nước đã rút binh khỏi Pangon Tso và thung lũng Galwan, Gogra, nhưng thế đối đầu vẫn diễn ra tại Depsang và Suối nước nóng, và hai bên vẫn tranh cãi kịch liệt về việc binh sĩ của họ nên rút lui bao xa: tới vị trí trước tháng 4/2020 ở khu vực phía Tây dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) như Ấn Độ đề xuất, hay tới vị trí được duy trì ngay sau cuộc chiến biên giới năm 1962 như Trung Quốc đề xuất.
Liu Zongyi, nhà nghiên cứu đến Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói rằng Bắc Kinh khó có thể chấp nhận đề xuất của Ấn Độ, bởi vậy mà họ duy trì một nhóm binh sĩ dưới hình thức “kiểm soát thường lệ”. “Kiểm soát thường lệ có nghĩa là hai bên rút binh sĩ của họ để ổn định lại tình hình trong khu vực, nhưng do hai bên đang tranh cãi gay gắt về cách thức rút binh nên Trung Quốc có thể lựa chọn giữ lại một nhóm binh sĩ nhỏ để có hiện diện quân sự ở biên giới”, ông nói.
Vị chuyên gia cho rằng, có khả năng là Ấn Độ sẽ thay đổi chiến lược của họ sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua.
“Mỹ đã nêu rất rõ là họ không muốn dính líu vào bất cứ cuộc chiến tranh nóng hay lạnh nào với Trung Quốc” – ông Liu nói – “Hiện giờ, Ấn Độ có thể sẽ cân nhắc lại về việc có thực sự muốn lao vào một cuộc xung đột quân sự ở biên giới hay không.”