Trung Quốc, Ấn Độ vội tìm nguồn cung mới khi Mỹ siết chặt trừng phạt dầu mỏ Nga
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường mua dầu thô từ Trung Đông và Châu Phi. Nga phải đối mặt với chi phí cao hơn khi xuất khẩu dầu qua đường biển, và dự kiến nước này phải tăng mức chiết khấu cho dầu thô. Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến vẫn nhập dầu Nga trong hai tháng tới.
Theo AFP, các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu thay thế khi họ phải thích nghi với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mới của Mỹ áp đặt lên các nhà khai thác và tàu chở dầu Nga. Những biện pháp này nhằm cắt giảm doanh thu của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa áp đặt gói trừng phạt toàn diện nhất nhằm vào doanh thu từ dầu khí của Nga vào thứ Sáu tuần trước, nhằm tạo lợi thế cho Kiev và chính quyền sắp tới của ông Donald Trump trong việc đạt thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.
CNN đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt các nhà khai thác dầu Nga Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng với 183 tàu thuộc “hạm đội ngầm” vốn đã giúp Nga né lệnh trừng phạt để đưa dầu ra thị trường toàn cầu.
Theo Morgan Stanley, dẫn dữ liệu từ hệ thống theo dõi tàu chở dầu Vortexa, các tàu thuộc danh sách trừng phạt mới nhất vận chuyển khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2024, tương đương khoảng 1,4% nhu cầu dầu toàn cầu.
Phần lớn số tàu này đã được sử dụng để vận chuyển dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây và mức giá trần do Nhóm G7 áp đặt vào năm 2022 đã chuyển hướng thương mại dầu Nga từ châu Âu sang châu Á. Ngoài ra, một số tàu còn vận chuyển dầu từ Iran, quốc gia cũng đang chịu lệnh trừng phạt.
Giá dầu đã tăng vọt. Giá dầu Brent đã vượt mốc 81 USD/thùng vào thứ Hai tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Khoảng cách giữa giá dầu giao ngay và giá giao sau 6 tháng cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái, cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế.
Điện Kremlin cho biết các lệnh trừng phạt này có nguy cơ làm mất ổn định thị trường toàn cầu và Moscow sẽ tìm cách đối phó.
“Rõ ràng Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách làm suy yếu vị thế của các công ty chúng tôi bằng những biện pháp phi cạnh tranh, nhưng chúng tôi kỳ vọng có thể chống lại điều này”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu hôm thứ Hai tuần này.
Washington cũng áp đặt trừng phạt đối với công ty bảo hiểm hàng hải lớn của Nga Ingosstrakh và một nhà cung cấp bảo hiểm khác là Alphastrakhovanie.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các tàu không được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra thảm họa môi trường, cũng như các cơ chế xử lý chi phí khắc phục hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Thích nghi?
Trung Quốc đã tái khẳng định sự phản đối đối với các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt mới có thể làm giảm xuất khẩu dầu của Nga trong ngắn hạn, nhưng Nga có thể thích nghi bằng cách sử dụng các tàu thuộc “hạm đội ngầm” chưa bị trừng phạt.
Các nhà phân tích cũng cho biết quy mô thực sự của đội tàu chở dầu này vẫn chưa rõ, nhưng ước tính có khoảng 600 tàu. Sau khi lệnh trừng phạt mới được công bố, có ít nhất 65 tàu được ghi nhận neo đậu tại nhiều địa điểm, bao gồm các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và Nga, theo dữ liệu theo dõi tàu.
5 tàu trong số đó đã neo tại các cảng của Trung Quốc, thêm 7 tàu khác thả neo tại Singapore, và các tàu khác dừng lại gần Nga tại biển Baltic và Viễn Đông. Tập đoàn Cảng Sơn Đông đã cấm các tàu chở dầu nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ cập cảng trước khi Washington đưa ra thông báo vào thứ Sáu tuần trước.
Mức độ nghiêm trọng của các biện pháp mới đã khiến các nhà máy lọc dầu Trung Quốc buộc phải quay lại mua dầu từ các nguồn không bị hạn chế, đẩy giá dầu giao ngay ở một số khu vực tăng cao, đồng thời tạo thêm áp lực tăng giá trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhà máy lọc dầu Trung Quốc Yulong Petrochemical trước đây từng mua dầu thô ESPO Blend của Nga, nhưng cuối tuần trước đã mua 4 triệu thùng dầu thô Upper Zakum của Abu Dhabi, giao vào tháng 2 và tháng 3 từ Totsa, chi nhánh giao dịch của tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies, theo lời các nhà giao dịch.
Trong những tuần gần đây, Yulong cũng đã mua dầu thô từ Angola và Brazil, và đang đàm phán để mua thêm dầu từ Tây Phi và Canada, các nhà giao dịch cho biết thêm.
Công ty Unipec của Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước cũng đã đặt trước 4 tàu chở dầu thô siêu lớn từ Trung Đông, với mỗi tàu có thể vận chuyển tới 2 triệu thùng dầu thô, theo số liệu từ công ty phân tích dữ liệu Kpler.
Các nguồn tin mà Reuters phỏng vấn đều từ chối nêu tên vì tính bảo mật. Yulong và Totsa đều đã từ chối bình luận về các thỏa thuận thương mại.
Giai đoạn chuyển đổi 2 tháng
Hiện tại, hơn 60% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga được chuyển đến Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Mặc dù các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã ngừng làm việc với các tàu chở dầu và thực thể bị Mỹ trừng phạt, Chính phủ nước này không dự báo sự gián đoạn nguồn cung dầu thô Nga trong giai đoạn chuyển đổi 2 tháng, một nguồn tin Chính phủ cho biết hôm thứ Hai tuần này.
Ấn Độ sẽ cho phép các lô hàng dầu Nga được đặt trước ngày 10/1 dỡ hàng tại các cảng, nguồn tin cho biết thêm, Nga cũng có thể đưa ra mức chiết khấu sâu hơn để đáp ứng mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm G7 áp đặt từ năm 2022. Các lô hàng dưới mức giá này có thể sử dụng tàu và bảo hiểm của phương Tây.
Ngân hàng Sinara tại Moscow cũng cho biết có khả năng áp dụng mức chiết khấu tạm thời đối với dầu thô Urals – loại dầu chính của Nga – so với giá dầu Brent tiêu chuẩn. Các nhà giao dịch cho biết các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, đã mua dầu thô giao ngay từ Trung Đông vào tuần trước trước khi lệnh trừng phạt được công bố, hiện họ đang nhập thêm các lô hàng.
Tập đoàn Bharat Petroleum Corp. của Ấn Độ đã mua 2 triệu thùng dầu thô Oman, giao vào tháng 2, từ Totsa thông qua một cuộc đấu thầu vào tuần trước, theo hai người quen thuộc với giao dịch này.