Trung Quốc - Australia 'khủng hoảng gián điệp'
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xung quanh những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xung quanh những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Những tranh cãi gay gắt
Vụ việc nổi lên nhất gần đây liên quan đến nhà văn người Australia gốc Hoa Yang Hengjun - vốn bị Bắc Kinh bắt giữ gần 1 năm qua với cáo buộc gián điệp. Ông Yang, từng là một nhà ngoại giao Trung Quốc đã chuyển sang làm blogger và viết báo mạng, bị bắt giữ hồi tháng 8 do các cáo buộc hoạt động gián điệp, 7 tháng sau khi bị tạm giam ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Trong tuyên bố hôm 2-12, Australia chỉ trích điều kiện giam giữ công dân này. Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, nhà văn người Australia bị Bắc Kinh giam giữ trong điều kiện “không thể chấp nhận được”, trong đó người này bị thẩm vấn hàng ngày trong tình trạng xiềng xích. Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, bà Payne nhấn mạnh: “Điều kiện giam giữ (đối với ông Yang) bao gồm cô lập khỏi thế giới bên ngoài, với những hạn chế trao đổi thông tin với gia đình và bạn bè, và việc nối lại thẩm vấn hàng ngày, trong tình trạng xiềng xích. Điều này không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó khẳng định nhà văn này vẫn ở trong điều kiện tốt và không bị ngược đãi, đồng thời bác bỏ những chỉ trích của chính quyền Australia về cách đối xử với người đàn ông này.
Trước đó, cả hai cũng tranh cãi gay gắt quanh cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch “cài” gián điệp vào Quốc hội Australia. Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) đã mở cuộc điều tra về vụ việc này sau khi chương trình truyền hình 60 Minutes Australia cho biết, Bo “Nick” Zhao, một nhà phân phối xe sang ở Melbourne, đã được đề nghị nhận khoản tiền gần 680.000 USD, để chạy đua vào Quốc hội liên bang Australia và trở thành gián điệp của Bắc Kinh. Nhưng ông này được tìm thấy trong tình trạng đã chết hồi tháng 3 ở một khách sạn tại Melbourne.
Những thông tin thật sự đã tạo nên cơn chấn động ở Australia. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tiếp tục bác bỏ những cáo buộc này và gọi đây là “biểu hiện của chứng cuồng loạn từ phía Australia”. Bắc Kinh cũng bác bỏ cáo buộc trong một vụ tương tự khác, liên quan tới một người tên Wang Liqiang xin tị nạn tại Australia. Khi trình báo với các nhà chức trách Australia, Wang tự nhận mình là một nhân vật tình báo quan trọng.
Australia báo động
Không chỉ vào cuộc điều tra mạnh mẽ, chính phủ Australia đang nhìn nhận lại mối quan hệ với Trung Quốc sau hàng loạt vụ việc liên quan tới nghi vấn gián điệp từ Bắc Kinh.
Ngày 2-12, Canberra thông báo về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống sự can thiệp của nước ngoài với nhiệm vụ chính là bắt giữ và đưa ra tòa những đối tượng có âm mưu phá hoại lợi ích quốc gia của nước này. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh, các cơ quan an ninh và tình báo Australia biết rõ các mối đe dọa từ sự can thiệp của nước ngoài hiện này là chưa từng có. Ông Morrison khẳng định chính phủ của ông luôn theo dõi và xem xét các mối đe dọa mà Australia phải đối mặt và đề ra các biện pháp phù hợp để bảo vệ an toàn cho người dân. Theo nhà lãnh đạo này, việc thành lập lực lượng đặc nhiệm trên, với kinh phí hoạt động gần 90 triệu AUD (60 triệu USD), là một bước mới nhằm chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài và ngăn chặn những kẻ muốn “phá hoại nền dân chủ và lối sống của Australia”. Lực lượng đặc nhiệm sẽ bao gồm các nhân viên từ cơ quan tình báo trong nước, cảnh sát liên bang, cơ quan tình báo tài chính và tổ chức tình báo ngoài nước.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_216931_trung-quoc-australia-khung-hoang-gian-diep-.aspx