Trung Quốc: Bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 không gây lây nhiễm
Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: News Daily
* IMF có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì dịch COVID-19
Một quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 28/2 cho biết, những bệnh nhân tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được xác định là không lây nhiễm.
Phát biểu họp báo, quan chức NHC Guo Yanhong nhấn mạnh cần nâng cao biểu biết về SARS-CoV-2 và tăng cường theo dõi sức khỏe và quản lý các bệnh nhân nhân được xét nghiệm hết SARS-CoV-2.
Tính tới hết ngày 27/2, tỉnh Hồ Bắc, “ổ dịch” COVID-19 ở Trung Quốc đã ghi nhận 2.682 ca tử vong trong dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Còn trên toàn quốc, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 78.824 bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 2.788 người đã tử vong vì loại vi rút chết người này.
Trong diễn biến khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 27/2 thông báo lần đầu tiên xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, tuy nhiên không cho biết tên loại thuốc gì.
Theo FDA, một hãng dược phẩm đã thông báo thiếu một trong những loại thuốc do việc sản xuất thành phần dược chất chính bị ảnh hưởng do tốc độ dịch COVID-19 lây lan quá nhanh. FDA cho biết hiện có một số loại thuốc thay thế để các bệnh nhân có thể sử dụng. FDA khẳng định: "Chúng tôi đang phối hợp với các nhà sản xuất nhằm làm giảm tình trạng thiếu hụt hiện nay. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết tình hình”.
FDA cho biết cơ quan này đã xác nhận khoảng 20 loại thuốc hoặc thiếu tất cả nguồn thành phần chính hoặc là hết tại Trung Quốc. Hiện FDA đã liên lạc với các nhà sản xuất để đánh giá liệu họ có đứng trước nguy cơ thiếu nguồn thuốc do dịch COVID-19 không.
Tính đến nay, Mỹ đã có 60 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Hiện Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) chưa khẳng định được mức độ dịch sẽ ở mức nhẹ hay nghiêm trọng khi xâm nhập vào Mỹ nhưng khuyến cáo người dân chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch bệnh.
Trong khi đó, Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice ngày 27/2 cho hay dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể IMF sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Rice khẳng định: “Chắc chắn chủng vi rút này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng”. Tuy nhiên, ông không nêu thông tin cụ thể. Theo ông Rice, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ sớm đưa ra một quyết định về tác động của dịch COVID-19 tại các hội nghị mùa xuân dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới, với một loạt phương án đang được cân nhắc.
Theo người phát ngôn trên, IMF và WB sẵn sàng cung cấp cho các nước có nhu cầu sử dụng quỹ khẩn cấp ngay lập tức để chống dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh hiện nay. Ông Rice nêu rõ: "Mặc dù chưa nhận được đề nghị viện trợ nào, các định chế tài chính hiện đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó với các tình huống bất ngờ. Chúng tôi có nhiều công cụ tài chính khác nhau có thể sử dụng để hỗ trợ các nước cân bằng các vấn đề thanh toán phát sinh từ dịch bệnh và thiên tai”.
Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật lần hai của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/2, kinh tế nước này tăng trưởng ở mức vừa phải trong quý IV/2019 và đang đứng trước một giai đoạn "gập ghềnh" đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng khiến các thị trường tài chính lo ngại về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ.
Theo nhà kinh tế hàng đầu của MUFG tại New York, Chris Rupkey, các thị trường đang dự đoán kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái khi dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường tài chính nhìn nhận dịch bệnh có thể kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử - đã bước vào sang năm thứ 11 - của kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/2 khẳng định rủi ro từ dịch COVID-19 đối với nước Mỹ vẫn rất thấp và các quan chức y tế đã chuẩn bị làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn.
Các thị trường tiền tệ nhận định khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất sau khi hạ 3 lần trong năm ngoái. Dịch COVID-19 sẽ gây khó khăn cho FED trong việc giữ nguyên chính sách tiền tệ ít nhất là hết năm nay như dự định. Mặc dù chưa có số liệu thực tế cho thấy dịch ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, các nhà kinh tế cho rằng lĩnh vực chế tạo sẽ chịu tác động do những gián đoạn của chuỗi cung ứng và xuất khẩu.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)