Trung Quốc bí mật chế tạo siêu máy tính, cơ quan trọng yếu Mỹ bị rò rỉ tài liệu

Trung Quốc bí mật chế tạo siêu máy tính; Cơ quan trọng yếu Mỹ bị rò rỉ tài liệu... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

Trung Quốc bí mật chế tạo siêu máy tính

Theo WSJ, Trung Quốc có thể đã chế tạo thành công siêu máy tính mạnh nhất thế giới, sức mạnh hơn cả siêu máy tính Frontier của Mỹ, nhưng họ không công bố kết quả ra bên ngoài.

Thời gian gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc dường như đang trở nên bí mật hơn trong hoạt động nghiên cứu siêu máy tính. Trung Quốc cũng đã không còn tham gia vào các đánh giá Top500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới.

Phiên bản mới nhất của Sunway TaihuLight có thể đang là siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Ảnh: Xinhua

Phiên bản mới nhất của Sunway TaihuLight có thể đang là siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Ảnh: Xinhua

Một báo cáo khoa học từ năm ngoái cho thấy, siêu máy tính Sunway của Trung Quốc có 39 triệu lõi, gấp bốn lần số lõi của Frontier của Mỹ.

Trong bảng xếp hạng công bố tháng 4 năm nay, Frontier vẫn là siêu máy tính mạnh nhất thế giới với công suất 1,19 exaflop, tức 1,19 tỷ tỷ phép tính mỗi giây.

Chế tạo siêu máy tính được coi là thước đo công nghệ quan trọng, do những cỗ máy nhanh hơn có thể mang lại lợi thế trong việc phát triển vũ khí quân sự hoặc các đột phá khác.

Cơ quan trọng yếu Mỹ bị rò rỉ tài liệu

Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, tin tặc vừa phát tán tài liệu nội bộ liên quan đến các cơ quan trọng yếu của Mỹ như Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA).

Theo đó, tài liệu nội bộ bị đánh cắp từ Leidos Holdings, một trong những nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất của Chính phủ Mỹ.

Lầu Năm Góc bị lộ lọt tài liệu nội bộ qua một nhà thầu cung cấp dịch vụ CNTT. Ảnh: Bloomberg

Lầu Năm Góc bị lộ lọt tài liệu nội bộ qua một nhà thầu cung cấp dịch vụ CNTT. Ảnh: Bloomberg

Leidos đã biết về vụ việc và cho rằng các tài liệu bị đánh cắp trong một hành vi vi phạm đã được công bố trước đó, liên quan tới các hệ thống của Diligent Corp mà họ sử dụng. Hiện nhà thầu này vẫn đang tiếp tục điều tra.

Khách hàng của Leidos bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và NASA, cùng các cơ quan và doanh nghiệp thương mại khác của Mỹ trong và ngoài nước.

Leidos từ chối bình luận về thông tin bị đánh cắp. Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa và NASA cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Elon Musk khoe siêu máy tính cực mạnh

Trên mạng xã hội X, CEO Tesla cho biết, siêu máy tính Dojo dùng chip D1 có sức mạnh tương đương 8.000 chip Nvidia H100 dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Dojo có mặt trước bao phủ kim loại, gợi liên tưởng đến mẫu xe Cybertruck mà Tesla sản xuất. Mặt sau bao gồm hệ thống cáp đã được “đi dây” gọn gàng.

CEO Tesla khoe dự án siêu máy tính chạy chip D1 trên mạng xã hội X. Ảnh: Elon Musk/X

CEO Tesla khoe dự án siêu máy tính chạy chip D1 trên mạng xã hội X. Ảnh: Elon Musk/X

Theo Yahoo Tech, Musk đang xây dựng song song hai siêu cụm máy tính cho Tesla và công ty khởi nghiệp xAI. Trong đó cụm máy tính dành cho startup xAI sẽ mạnh nhất thế giới với 100.000 GPU Nvidia H100 để đào tạo AI Grok.

Công ty SemiAnalysis chuyên phân tích lĩnh vực AI và bán dẫn cho hay, thông qua ảnh vệ tinh và thông tin thu thập, một hệ thống phát điện khổng lồ đã được chuyển đến thành phố Memphis (bang Tennessee) - nơi Elon Musk xây dựng siêu máy tính mạnh nhất thế giới có tên “Gigafactory of Compute”.

Theo một số tính toán, siêu máy tính của xAI ban đầu có thể ngốn tới 50 MW điện mỗi ngày - tương đương lượng điện cung cấp cho 50.000 hộ gia đình. Trong khi đó, công ty của Musk được cho là đề xuất mức điện gấp ba lần, từ 130-150 MW.

Malaysia, Singapore siết quản lý Facebook

Malaysia và Singapore tăng cường giám sát một số mạng xã hội như Facebook, nền tảng nhắn tin và trang web mua sắm để kiềm chế nạn lừa đảo trực tuyến và gây hại cho trẻ vị thành niên.

Malaysia dự định cấp giấy phép cho các trang mạng xã hội như Facebook, X và TikTok và các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp.

Tháng 6, Singapore yêu cầu các mạng xã hội và chợ điện tử được chọn phải chủ động phát hiện, chống lại lừa đảo và các hoạt động độc hại.

Quy định mới của Malaysia, dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay, sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến đăng ký giấy phép và gia hạn hằng năm. Các nền tảng không tuân thủ sẽ vi phạm pháp luật và bị phạt tới 500.000 ringgit (hơn 2,6 tỷ đồng).

Các vụ lừa đảo tăng theo từng năm tại Singapore. Ảnh: Cảnh sát Singapore

Các vụ lừa đảo tăng theo từng năm tại Singapore. Ảnh: Cảnh sát Singapore

Tại Singapore, Bộ Nội vụ nước này đã ban hành các quy tắc thực hành vào tháng trước, yêu cầu Facebook và Carousell, một sàn mua sắm đồ cũ địa phương, xác minh danh tính của những người bán mà họ cho là rủi ro.

Bộ quy tắc là một phần của các điều khoản trong Đạo luật Tác hại hình sự trực tuyến, được Quốc hội thông qua vào năm 2023. Đến cuối năm nay, các trang mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin như Facebook, Instagram, Telegram, WeChat và WhatsApp cũng phải triển khai các hệ thống và biện pháp để phát hiện lừa đảo và các hoạt động độc hại, sau đó gửi báo cáo hằng năm cho chính quyền.

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-bi-mat-che-tao-sieu-may-tinh-co-quan-trong-yeu-my-bi-ro-ri-tai-lieu-2306019.html