Trung Quốc bình luận sau khi Nga tuyên bố ý định thay đổi chính sách hạt nhân

Trung Quốc nhấn mạnh quan điểm không sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Nga cảnh báo có thể thay đổi chính sách về loại vũ khí này do căng thẳng với phương Tây về Ukraine.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới Krasnoyarsk tại lễ ra mắt ở Severodvinsk, ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới Krasnoyarsk tại lễ ra mắt ở Severodvinsk, ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin newsweek.com, Trung Quốc mới đây tái khẳng định quan điểm rằng không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh Nga cảnh báo có thể thay đổi chính sách về loại vũ khí này do căng thẳng leo thang với phương Tây ở Ukraine.

Phản hồi trước phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov về hạt nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tiến hành chiến tranh hạt nhân”.

Trước đó, Thứ trưởng Ryabkov đã nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS rằng Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của mình, do leo thang căng thẳng từ phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine. Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, được cập nhật vào năm 2020, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga bị tấn công bằng hạt nhân hoặc bị đe dọa bởi các cuộc tấn công thông thường có khả năng gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nhà nước. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga không cho biết khi nào học thuyết hạt nhân cập nhật sẽ được công bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế, nhấn mạnh rằng cần thúc đẩy đối thoại để giảm căng thẳng và rủi ro chiến lược. Bà Mao Ninh cũng nhắc lại tuyên bố chung của năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân được công bố vào ngày 3/1/2022, ngay trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), năm quốc gia này được công nhận là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, Israel, Pakistan, và Triều Tiên cũng được cho là có sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong tuyên bố chung, các nước khẳng định rằng “không thể giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được phép xảy ra". Tài liệu này cũng nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra hậu quả sâu rộng, và vũ khí này chỉ nên phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn bị tấn công và ngăn ngừa chiến tranh.

Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có mối đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Lời cảnh báo này đã gây ra lo ngại, đặc biệt sau các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga và cáo buộc của Moskva rằng Kiev đang tìm cách tấn công một nhà máy điện hạt nhân.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga hiện đang duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 4.380 đầu đạn, tiếp theo là Mỹ với 3.708, Trung Quốc với 500, Pháp với 290, và Anh với 225 đầu đạn hạt nhân.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo newsweek.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-binh-luan-sau-khi-nga-tuyen-bo-y-dinh-thay-doi-chinh-sach-hat-nhan-20240904195029923.htm