Trung Quốc bố trí pháo phản lực cải tiến dọc biên giới Ấn Độ

Trung Quốc trang bị cho tiểu đoàn pháo binh gần Ấn Độ tổ hợp pháo phản lực tầm xa PHL-03 mới, có thể bắn áp chế tập trung diện rộng với tầm bắn 130 km.

Ngày 9-5, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin rằng một tiểu đoàn pháo binh của quân đội Trung Quốc đã được trang bị các tổ hợp pháo phản lực tầm xa PHL-03 mới, tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo CCTV, đơn vị này đóng quân trên khu vực cao nguyên ở độ cao 5.200 m, gần khu vực xảy ra quân đội Trung Quốc đã có cuộc đụng độ chết người với lính Ấn Độ hồi tháng 6 năm ngoái.

“Hệ thống pháo phản lực này là thiết bị tấn công chính của binh chủng pháo binh, có thể triển khai nhanh chóng nhằm chiếm giữ và kiểm soát các khu vực trọng yếu. Với sự hỗ trợ của hệ thống pháo phản lực, quân đội Trung Quốc sẽ có thể chiến đấu ở những địa hình khó khăn như cao nguyên, sa mạc và những nơi khác trong mọi điều kiện thời tiết" - đài CCTV đưa tin.

Phiên bản cải tiến của tổ hợp pháo phản lực PHL-03. Ảnh: SCMP

Phiên bản cải tiến của tổ hợp pháo phản lực PHL-03. Ảnh: SCMP

Theo SCMP, tổ hợp pháo phản lực PHL-03 được trang bị 12 ống phóng đạn phản lực 300 mm. Mỗi ống nặng 800 kg với tầm bắn lên tới 130 km, đủ để bao phủ một khu vực rộng lớn với khả năng bắn áp chế tập trung từ xa. Xe tải 8 bánh của tổ hợp PHL-03 có thể đạt tốc độ tối đa ở mức 60 km/giờ.

Theo CCTV, thiết kế này cho phép bệ phóng tên lửa có tính cơ động và linh hoạt cao hơn. Theo đó, chỉ mất ba phút để tổ hợp PHL-03 chuyển từ chế độ di chuyển sang sẵn sàng chiến đấu và một phút từ chế độ chờ sang chế độ khẩn cấp.

Phiên bản PHL-03 cải tiến này còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử. Đồng thời, phiên bản này cũng kết hợp sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc để tấn công chính xác mục tiêu. Theo CCTV, một pháo phản lực PHL-03 cải tiến có thể thực hiện các cuộc tấn công vào nhiều mục tiêu cùng lúc.

Đại úy You Zichen - một đại đội trưởng của tiểu đoàn pháo binh - nói với CCTV: "Việc chuyển từ pháo kéo sang pháo tự hành và từ vận hành hoàn toàn thủ công sang vận hành kỹ thuật số là một thách thức khá lớn, nhưng cũng là một tiến bộ đáng kể".

Vào tháng 10 năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin rằng PHL-03 đã được quân đội Trung Quốc triển khai và bắn thử ở cao nguyên Tây Tạng.

Việc biên chế vũ khí mới cho các đơn vị đóng quân gần gần biên giới Ấn Độ diễn ra khi thời tiết ở đây bớt khắc nghiệt và cho phép thực hiện các hoạt động quân sự.

Các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vào đầu tháng 5-2020. Đây là cuộc xung đột tồi tệ nhất và là cuộc đối đầu vũ trang nặng nề nhất giữa hai quốc gia trong nhiều thập niên qua. Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm vào khoảng giữa tháng 6-2020, khiến tổng cộng 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Để tạo lợi thế cho binh sĩ tiền tuyến trên dãy Himalaya, quân đội Trung Quốc đã cải tiến hàng loạt trang bị quân sự của mình, bao gồm triển khai sử dụng xe tăng hạng nhẹ Type 15 mới nhất, lựu pháo tự hành PCL-181 và máy bay không người lái được cải tiến chuyên hoạt động ở độ cao lớn.

Bên cạnh việc biên chế vũ khí, quân đội Trung Quốc cũng trang bị cho binh sĩ của họ các thiết bị như khung xương trợ lực, máy tạo oxy, nhà sử dụng năng lượng mặt trời, và thậm chí dùng máy bay không người lái để cung cấp lẩu ăn liền cho họ.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-bo-tri-phao-phan-luc-cai-tien-doc-bien-gioi-an-do-984408.html