Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản, vẫn không ăn thua?

Gói giải cứu lớn chưa từng thấy lên tới gần 42 tỷ USD được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa đủ để có thể vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đã khủng hoảng trong gần 3 năm.

Giải cứu động lực phát triển của nền kinh tế

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cuối tuần trước tuyên bố sẽ triển khai một quỹ tái cấp vốn trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (41,5 tỷ USD) để khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước mua lại những căn nhà chưa bán được, một điểm yếu lớn trong cuộc khủng hoảng kéo dài gần ba năm.

Gói hỗ trợ mới gần 42 tỷ USD sẽ được phân bổ cho 21 ngân hàng, bao gồm các ngân hàng chính sách, tổ chức cho vay thương mại và ngân hàng cổ phần với mức lãi suất 1,75%. Các khoản cho vay có thời hạn một năm và sẽ được phép gia hạn 4 lần.

Cần cẩu tháp tại một công trường xây dựng bất động sản ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/5/2024.

Cần cẩu tháp tại một công trường xây dựng bất động sản ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/5/2024.

Nguồn vốn của PBoC có thể được sử dụng để trang trải 60% tiền gốc của khoản vay, với tổng quy mô tín dụng lên tới 500 tỷ nhân dân tệ.

Lĩnh vực bất động sản đã trở thành lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế số 2 thế giới, đè nặng lên tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng.

Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm nhanh trong những tháng gần đây, khi các hộ gia đình ngày càng thích mua nhà trên thị trường thứ cấp. Điều đó đã đẩy lượng nhà chưa bán được và đất trống lên mức cao nhất trong nhiều năm. Đồng thời, tình trạng này cũng không khuyến khích xây dựng mới và đe dọa nhiều nhà phát triển bất động sản - bao gồm cả các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Quy mô chưa đủ lớn

Dù gói hỗ trợ mới của Trung Quốc được đánh giá là cực kỳ quan trọng và đánh dấu “mốc lịch sử quan trọng” đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà kinh tế vẫn bày tỏ lo ngại cả về quy mô hạn chế của biện pháp này so với lượng nhà chưa bán được và nguy cơ nó sẽ không được thực hiện triệt để.

Các quan chức cho biết chương trình của PBoC có thể khuyến khích các khoản vay ngân hàng trị giá 500 tỷ nhân dân tệ và điều đó sẽ chỉ giải quyết được một phần giá trị của những căn hộ bỏ trống ở Trung Quốc, mà các nhà kinh tế ước tính lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ.

Thêm vào đó, vẫn còn nghi ngờ về việc liệu các ngân hàng có tận dụng tối đa khoản hỗ trợ mới hay không. Ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại TS Lombard, cho biết sự tham gia của các tổ chức cho vay thương mại sẽ “hạn chế tốc độ và hiệu quả của việc triển khai vốn”.

Chương trình cho vay PBoC trước đây dành cho các ngân hàng thương mại nhằm vào các dự án nhà ở cho thuê có tỷ lệ tiếp nhận thấp, chỉ 2% số tiền được sử dụng. Sáng kiến giảm bớt hàng tồn kho lần này đã được thử nghiệm ở tám thành phố và hoạt động hiệu quả nhất ở những khu vực có đông dân cư – một điều kiện không phải đô thị nào cũng đáp ứng được.

Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm nhanh trong những tháng gần đây.

Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm nhanh trong những tháng gần đây.

Chương trình khuyến khích chính quyền địa phương mua đất chưa sử dụng từ các nhà phát triển cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều khu vực đang gặp căng thẳng về tài chính và các quan chức tại cuộc họp giao ban cuối tuần trước đã cảnh báo rằng những nỗ lực như vậy sẽ làm tăng rủi ro nợ của chính quyền địa phương.

Chính quyền khu vực sẽ được phép sử dụng một phần hạn mức vay trái phiếu trị giá 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ hàng năm cho sáng kiến mới - nhưng phần lớn trong số đó đã được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Ra đời cuối năm 2023, “Sách trắng” là danh sách các dự án bất động sản mà chính phủ Trung Quốc ưu tiên giải cứu. Các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất được chỉ định bơm thêm tiền để cứu các dự án trong sách trắng mà các địa phương gửi lên.

Nhưng nguồn vốn này dường như không đến được với các công ty bất động sản, vốn đã huy động được ít hơn 600 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay cho các dự án xây dựng trong 4 tháng đầu năm, theo cục thống kê nước này.

Chương trình Sách trắng bị hạn chế bởi các ngân hàng thương mại, vốn lo lắng về việc các nhà phát triển không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Vấn đề tương tự cũng áp dụng cho các biện pháp mới cho phép ngân hàng hạ lãi suất thế chấp và yêu cầu trả trước.

Ông Serena Chu, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia Ltd, cho biết: “Tác động của chính sách này sẽ bị hạn chế bởi biên độ lãi suất bị siết chặt của các ngân hàng”.

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-bom-42-ty-usd-giai-cuu-bat-dong-san-van-khong-an-thua-d111084.html