Trung Quốc bơm thêm tiền, lợi suất trái phiếu chính phủ xuống gần mức thấp kỷ lục
Trung Quốc đã sáu lần bơm tiền ra thị trường trong những ngày đầu năm. Động thái này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đang dao động gần mức thấp kỷ lục của 21 năm trước. Dưới áp lực giảm phát, những suy đoán về các bước đi nới lỏng chính sách tiền tệ của chính phủ xuất hiện.
Sáu lần bơm tiền sau hai tuần đầu năm mới
Hôm 16-1, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã duy trì lãi suất cho vay cơ sở trong trung hạn (MLF) một năm ở mức 2,5%. Lãi suất MLF này là cơ để tính lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất chính sách theo thông lệ tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Các nhà phân tích đang kỳ vọng lãi suất MLF và lãi suất cho vay cơ bản sẽ bắt đầu giảm trong năm mới 2024, vốn đã gây áp lực với lợi suất dài hạn. Theo Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), hiện lãi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm của trái phiếu Chính phủ Trung Quốc đã giảm mạnh và duy trì quanh mức 2,5%, gần với mức thấp kỷ lục 2,35% được ghi nhận tháng 6-2002.
Đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.000 nhân dân tệ (141 tỉ đô la) vào tháng 10 năm ngoái nhằm trợ cấp tài chính cho các hoạt động cứu trợ thảm họa thiên tai dường như ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trong nỗ lực vực dậy, PBoC đã tăng cường quy mô hoạt động thị trường mở.
Năm ngoái, PBoC đã bơm kỷ lục 1.450 tỉ nhân dân tệ mỗi tháng vào tháng 11 và tháng 12. Đến hôm 15-1 vừa qua, ngân hàng này đã bơm đợt vốn lớn thứ ba trị giá 995 tỉ nhân dân tệ vào thị trường thông qua cơ chế MLF. Tuy nhiên trong hai tuần đầu năm 2024 này PBoC đã bơm sáu lần. PBoC đã tiến hành các hoạt động quy mô lớn ngay cả trong dịp nghỉ đầu năm mới và lễ Quốc khánh, khi nhu cầu tiền mặt có xu hướng tăng cao.
Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) đã báo hiệu sẽ kết thúc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ vào năm ngoái. Điều này làm giảm bớt mối lo ngại ở Trung Quốc về dòng vốn chảy ra khỏi đại lục và tạo cơ hội cho việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Theo Wang Tao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS nhận định, Trung Quốc có thể giảm lãi suất chính sách từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm và tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 0,25 đến 0,5 điểm phần trăm trong năm 2024
Những ngày ảm đạm đầu năm mới
Nhiều người vẫn kỳ vọng PBoC sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với tình trạng suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng như áp lực giảm phát. Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia công bố tuần rồi, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm 0,3% trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn hay biến động, tăng 0,6%. Tăng trưởng CPI cơ bản vẫn ở mức 1% hoặc thấp hơn kể từ tháng 4-2022.
Giá cả tăng chậm phần lớn là do các hộ gia đình Trung Quốc lo lắng về tương lai và đang hạn chế chi tiêu. Thất nghiệp ở thanh niên đã trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc, và lĩnh vực bất động sản tiếp tục trì trệ với tình trạng vỡ nợ và những trở ngại khác.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ hàng giảm giá, như siêu thị Hema của Alibaba Group Holding, đang mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp Trung Quốc.
Xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 tính theo đồng đô la, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ, người tiêu dùng các nước cắt giảm chi tiêu. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, mức sụt giảm xuất khẩu hàng hóa hai con số khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giảm 4,6% xuống còn 3.380 tỉ đô la.
Xuất khẩu sang các đối tác thương mại chính giảm mạnh. Trong đó, Mỹ dẫn đầu đầu đà giảm với mức giảm 13%, EU và Đông Nam Á cũng theo sau. Ngoại lệ đáng chú ý duy nhất là xuất khẩu sang đồng minh thân cận Nga lại tăng 47%. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga cũng tăng, dẫn đến thương mại song phương tăng 26%.
Tổng nhập khẩu năm 2023 giảm 5,5% xuống 2.550 tỉ đô la, do nhu cầu đối với các mặt hàng chính giảm, bao gồm dầu thô, sản phẩm thép và mạch tích hợp.
Đầu tháng 12, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp tài chính “vừa phải” và hạn chế rủi ro trong “các lĩnh vực then chốt”. Đây là động thái nhằm đạt được tăng trưởng vào năm 2024 giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn chưa kịp hồi phục.
Theo Nikkei Asia, Caixin Global