Trung Quốc: Bong bóng đầu tư vốn mạo hiểm có dấu hiệu xì hơi

Giá trị và số lượng thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 khi giới đầu tư chùn tay vì lo ngại kết quả khó đoán của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như mức định giá cao nhất ngưỡng của các công ty khởi nghiệp (startup).

Làn sóng đầu tư vốn mạo hiểm kéo dài 5 năm qua ở Trung Quốc đã giúp nuôi dưỡng và phát triển một thế hệ startup mới từ hãng gọi xe Didi Chuxing cho đến công ty công nghệ Bytedance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok. Giờ đây, cơn bùng nổ đầu tư này dường như đã chấm dứt.

Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc chỉ đạt 19,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, số lượng các thương vụ cũng giảm gần một nửa, chỉ còn 1.375 thương vụ so với còn số 2.593 cách đây một năm, theo công ty nghiên cứu thị trường Preqin.

Quí 2-2018 chứng kiến mức đỉnh của các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc với tổng giá trị 41,3 tỉ đô la, bao gồm vòng gọi vốn 14 tỉ đô la thành công của công ty dịch vụ tài chính Ant Financial của Alibaba hay khoản huy động 1,9 tỉ đô la của ứng dụng gọi xe tải Manbang.

Tình hình trở nên ảm đạm hơn nhiều trong quí 2-2019 với tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm chỉ đạt 9,4 tỉ đô la Mỹ và giá trị lớn nhất trong các thương vụ chỉ là 1 tỉ đô Mỹ thu được trong một vòng gọi vốn của JD Health, mảng kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của công ty thương mại điện tử JD.com.

Trung Quốc chưa bao giờ trải qua một vụ vỡ bong bóng đầu tư lớn giống như vụ vỡ bong bóng dot.com (cổ phiếu internet và ngành công nghệ) ở Mỹ vào năm 2000, một phần là vì thị trường vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc còn mới mẻ.

Hơn nữa, tăng trưởng đầu tư công nghệ ở Trung Quốc trong nhiều năm đã mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ và dễ dự báo. Liệu cơn suy giảm đầu tư trên thị trường vốn mạo hiểm hiện nay có thể dẫn một vụ sụp đổ đau đớn của ngành công nghệ hay không phần lớn phụ thuộc vào cách mà các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm, các công ty công nghệ và các cơ quản lý chèo lái trong một môi trường kinh doanh nhiều khó khăn mà họ chưa từng chứng kiến trước đây.

“Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy căng thẳng thực sự trong hệ thống. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một đợt suy giảm vốn đầu tư mạo hiểm ở thị trường Trung Quốc”, Gary Rieschel, đối tác sáng lập ở công ty đầu tư vốn mạo hiểm Qiming Venture Partners, nói.

 Trong quí 2-2019, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc chỉ đạt 9,4 tỉ đô la Mỹ (cột màu hồng) , giảm mạnh so với con số 41,3 tỉ đô la Mỹ vào cùng kì năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Trong quí 2-2019, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc chỉ đạt 9,4 tỉ đô la Mỹ (cột màu hồng) , giảm mạnh so với con số 41,3 tỉ đô la Mỹ vào cùng kì năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Cơn bùng nổ đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2014 khi Alibaba tạo nên cơn địa chấn ở New York với vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giúp thu về 25 tỉ đô la Mỹ, mức kỷ lục vào thời điểm đó. Vụ IPO rõ ràng cho các nhà đầu tư thấy rõ cơ hội làm giàu nhanh ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Giá trị các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm trong năm 2014 ở Trung Quốc, ngay lập tức tăng vọt lên con số 17 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 3 lần so với năm trước đó và tiếp tục tăng qua mỗi năm cho đến năm 2018 khi tổng giá trị các thương vụ đạt 105 tỉ đô la Mỹ, tương đương với mức ở Mỹ.

Trong làn sóng bùng nổ đầu tư này, các công ty đầu tư vốn mạo hiểm tên tuổi như Qiming Venture Partners, Sequoia China, Tiger Global Management và SoftBank đã tham gia rót những khoản đầu tư khổng lồ giúp nuôi dưỡng một số startup giá trị nhất thế giới. Công ty công nghệ Bytedance, chủ sở hữu ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok, là startup được định giá cao nhất thế giới với mức 75 tỉ đô la Mỹ, theo CB Insights. Trong khi đó, hãng gọi xe Didi Chuxing cũng được định giá 56 tỉ đô la Mỹ.

Song sự trỗi dậy của ngành công nghệ Trung Quốc là một tâm điểm lo ngại của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và trợ cấp bất công cho các công ty công nghệ trong nước hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái.

Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei, hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) số một Trung Quốc, vào danh sách đen, chính thức cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei nếu chưa có có sự đồng ý của chính phủ Mỹ. Nhà Trắng cũng đang cân nhắc tiến hành động thái tương tự với một loạt startup công nghệ khác của Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại chỉ là một trong những lý do khiến giới đầu tư trở nên chùn tay trong các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc. Mức định giá của các startup Trung Quốc đã tăng chóng mặt. Các startup đình đám như Xiaomi và công ty giao đồ ăn trực tuyến Meituan Dianping chứng kiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm mạnh ngay sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán và điều này càng làm gia tăng các lo ngại cho rằng mức định giá của các startup chưa IPO đã vượt tầm kiểm soát.

Các startup dựa vào nền kinh tế chia sẻ cũng đang thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Các công ty như Didi Chuxing, Meituan Dianping và Ofo (dùng chung xe đạp) ồ ạt mở rộng thị phần bằng cách “đốt tiền” để trợ giá dịch vụ nhờ nguồn tiền đầu tư dồi dào.

Song giờ đây, các công ty này đang bị hoài nghi về khả năng kiếm lợi nhuận.

Dù vậy, các mức định giá cao vẫn chưa suy giảm ở Trung Quốc. Các startup ở nước này kiên quyết không chịu hạ mức định giá trong các vòng gọi vốn mới.

Gary Rieschel nói: “Các doanh nghiệp Trung Quốc, hơn bất kỳ doanh nghiệp nào trên hành tinh, sẽ làm những điều trái tự nhiên để tránh hạ mức định giá trong vòng gọi vốn mới”.

Theo Bloomberg, Qz.com

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291257/trung-quoc-bong-bong-dau-tu-von-mao-hiem-co-dau-hieu-xi-hoi.html