Trung Quốc cấm đào Bitcoin, các thợ đào tính 'di cư' sang Bắc Mỹ, Trung Á
Chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh khai tử các mỏ đào Bitcoin, khiến cho nhiều công ty nhanh chóng tìm cách chuyển đi một số các quốc gia khác tại Bắc Mỹ hoặc Trung Á.
“Thiên đường đào Bitcoin”
Chính quyền Trung Quốc đang mạnh tay trấn áp ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa. Ảnh: Bloomberg.
Theo South China Morning Post, nhiều công ty khai thác và các thợ đào Bitcoin đang tìm kiếm giải pháp thay thế trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh một lần nữa mạnh tay trấn áp các hoạt động khai thác Bitcoin tại nước này.
Trung Quốc là nơi chiếm tới 2/3 lượng khai thác Bitcoin toàn cầu nhờ giá điện rẻ. Khi chính quyền nước này tăng cường chiến dịch cấm khai thác Bitcoin tại nước này, các công ty khai thác chỉ có thể hoạt động ngầm hoặc xem xét chuyển hoạt động đến nước khác nhưng với giá điện đắt đỏ hơn nhiều.
Một số đơn vị khai thác Bitcoin lớn được cho là đã ngừng hoạt động tại Trung Quốc và đang chuyển các dự án khai thác sang Bắc Mỹ hoặc Trung Á. Tuy nhiên, một số thợ đào nhỏ hoạt động riêng lẻ vẫn có thể tiếp tục khai thác lén lút Bitcoin tại nhà với hy vọng không bị các cơ quan quản lý theo dõi.
Trung Quốc là địa điểm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 65% tỷ lệ đào Bitcoin toàn cầu. Việc khai thác Bitcoin đòi hỏi những dàn máy tính chuyên dụng và rất tốn điện. Chính vì vậy, những khu vực như Nội Mông được các thợ đào ưa chuộng do có giá điện rẻ.
Tuy nhiên, các tỉnh có giá điện thấp như Nội Mông, Tân Cương và Tứ xuyên giờ đây không còn là thiên đường đối với các thợ đào Bitcoin nữa.
Trước đây, chỉ riêng các mỏ khai thác tại Tân Cương, Trung Quốc đã chiếm tới 36% tỷ lệ của Bitcoin khai thác được trên toàn cầu, theo Đại học Cambridge. Tứ Xuyên và Nội Mông lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba thế giới.
Cuối tuần trước, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính thuộc Hội Đồng Nhà nước Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu He lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố rằng, chính phủ nước này sẽ “trấn áp các hành vi khai thác và kinh doanh Bitcoin, đồng thời kiên quyết ngăn chặn việc lan truyền rủi ro từ cá nhân sang xã hội”.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo về những rủi ro tài chính mà tiền mã hóa có thể gây ra. Tuyên bố của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính thuộc Hội Đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã tác động nặng nề lên đồng tiền mã hóa Bitcoin. Ngay lập tức, giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác lao dốc mạnh.
Hiện, Nội Mông đã ban hành lệnh đóng cửa tất cả các mỏ khai thác và dự kiến sắp tới Tứ Xuyên cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.
Lên kế hoạch “di cư”
Vị trí các mỏ khai thác tiền mã hóa lớn trên thế giới. Ảnh: SCMP.
Ông Jiang Zhuoer – nhà sáng lập một dịch vụ khai thác Bitcoin – chia sẻ với SCMP ông đang có kế hoạch chuyển hệ thống máy móc khỏi Trung Quốc, tuy nhiên, ông vẫn khá phân vân về việc nên chọn Trung Á hay Bắc Mỹ.
“Bắc Mỹ có môi trường an ninh và chính trị tốt nhất để khai thác, song, chi phí lại khá cao. Trong khi đó, Trung Á lại gần với Tân Cương hơn”, ông Jiang cho biết.
Tuy nhiên, việc vận chuyển các hệ thống máy móc và dàn máy khai thác khổng lồ ra khỏi Trung Quốc chỉ là một phần chi phí mà ông phải đối mặt. Quá trình vận chuyện ước tính mất từ 2 đến 4 tuần, điều này đồng nghĩa với việc, các máy tính sẽ ngừng đào coin trong khoảng thời gian đó.
Tất cả những công ty khai thác Bitcoin lớn ở Trung Quốc như BTC.TOP, Huobi và HashCow đều đã tạm dừng tất cả hoặc một phần hoạt động khai thác của họ tại quốc gia này.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Jiang, hoạt động khai thác Bitcoin sẽ không bị “khai tử” ngay lập tức tại Trung Quốc. Ông ước tính rằng doanh thu mà ngành công nghiệp này đạt được mỗi năm lên tới 100 tỷ NDT (15,7 tỷ USD) và sử dụng hàng trăm nghìn nhân công địa phương.
Chính vì thế, ngay cả khi các lệnh cấm do chính phủ ban hành có hiệu lực ngay lập tức, vẫn cần có thời gian để giải quyết những vấn đề này. Trước đó, khi Trung Quốc cấm các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2017, các công ty đã mất vài tháng để hoàn thành các thủ tục đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Jiang cũng cho rằng những quy định mới chỉ có thể ảnh hưởng tới các mỏ khai thác lớn, nhưng rất khó để kiểm soát được các công ty khai thác nhỏ lẻ.
Một thợ mỏ giấu tên đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, cho biết lệnh cấm mới nhất khiến anh ta bất ngờ, nhưng anh ta không có kế hoạch ngừng khai thác tại quê nhà.
“Thật khó để thực thi lệnh cấm đối vì các công ty khai thác riêng lẻ quá nhỏ để có thể bị phát hiện.”, anh cho biết. Người thợ mỏ này cũng tiết lộ thêm rằng, giàn khai thác gồm ba máy tính xách tay của anh ấy chỉ tốn thêm 108 NDT tiền điện hàng tháng, trong khi giúp anh kiếm khoảng 2.100 NDT từ tiền điện tử.