Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu than giữa khủng hoảng năng lượng
Giới chức Trung Quốc ngày 29/9 tuyên bố sẽ nhập khẩu nhiều than hơn và điều chỉnh giá điện dựa theo cung - cầu của thị trường trong bối cảnh nước này rơi vào tình trạng thiếu điện.
Dù Bắc Kinh chưa xác nhận liệu họ có nâng trần giá điện hay không, giới phân tích cho rằng động thái điều chỉnh này là một bước đi cần thiết mà chính phủ Trung Quốc nên làm, theo South China Morning Post.
Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang lao đao vì giá than cao kỷ lục, khiến việc sản xuất điện không có lãi. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện trên toàn quốc, làm người dân lo ngại về việc sưởi ấm trong mùa đông sắp tới.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ngày 29/9 thông báo họ sẽ “thực hiện nhiều biện pháp tăng cường điều chỉnh cung và cầu” song không cho biết chi tiết về kế hoạch này.
"Giá điện và khí đốt phục vụ sinh hoạt của người dân về cơ bản vẫn ổn định, theo đúng chính sách giá", NDRC cho biết.
Điện ở Trung Quốc thường được bán theo tỷ giá quy định, các tỉnh được phép tăng hoặc giảm 10% theo mức giá niêm yết bởi chính phủ. Một số tỉnh đã chạm ngưỡng tăng 10% so với giá chính phủ quy định. Do đó, sắp tới các tỉnh này có thể tăng giá đáng kể để phù hợp mức giá than cao ngất ngưởng.
Việc chính phủ Trung Quốc nâng trần giá điện có thể là một quyết định gây tranh cãi. Bởi lẽ, phần lớn giá điện ở nước này được ấn định bởi chính phủ, vốn là một phần trong nền kinh tế kế hoạch của Bắc Kinh, trong khi giá than ở Trung Quốc lại được thị trường hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua đợt khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây, giới chức Bắc Kinh có thể buộc phải can thiệp và điều chỉnh mức giá nguồn năng lượng ở nước này, tờ South China Morning Post nhận định.
Kể từ tháng 1, giá than, được sử dụng để sản xuất điện, đã tăng gần 2/3, từ khoảng 104 USD/tấn lên xấp xỉ 170 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung hạn chế.
Các công ty sản xuất điện lớn của Trung Quốc không đủ khả năng mua than với giá đó, vì vậy họ đã cắt giảm mạnh sản lượng điện.
Trước đó, ngày 27/9, người dân sống tại tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang lên mạng xã hội than phiền về việc thiếu điện chạy máy sưởi ấm, trong khi đèn giao thông và thang máy cũng không hoạt động, theo BBC.
Một công ty điện cho biết các lần cắt điện có thể kéo dài tới mùa xuân năm 2022, và việc cúp điện không báo trước sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới”. Bài đăng của công ty này sau đó bị xóa.