Trung Quốc cấm video quảng cáo học thêm dịp hè
Mỗi năm, học sinh Trung Quốc có hai kỳ nghỉ lớn là nghỉ hè và nghỉ đông, trong đó nghỉ hè kéo dài một tháng.
Khi kỳ nghỉ hè của học sinh tiểu học và THCS tại Trung Quốc bắt đầu, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền các video ngắn quảng cáo chương trình đào tạo ngoại khóa. Nội dung này đang nhận chỉ trích từ dư luận và bị cáo buộc trục lợi từ sự lo lắng của phụ huynh.
Mỗi năm, học sinh Trung Quốc có hai kỳ nghỉ lớn là nghỉ hè và nghỉ đông, trong đó nghỉ hè kéo dài một tháng. Kỳ nghỉ hè thường bắt đầu từ tháng 8. Những ngày dài không có lớp học khiến nhiều phụ huynh lo lắng con cái sẽ mải chơi, không thể theo kịp bạn bè trên lớp và đạt điểm cao khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9.
Các quảng cáo, được trình bày dưới dạng video ngắn hàng ngày đã nhắm vào tâm lý này để trục lợi. Tất cả các video có tiêu đề giống nhau, nội dung giống nhau, chủ yếu nói rằng kỳ nghỉ hè là “đáng sợ nhất” đối với học sinh phổ thông.
Từ đó, video dẫn lời khuyên rằng học sinh không nên thư giãn trong kỳ nghỉ vì đây là thời điểm quan trọng để phân loại học sinh “điểm tốt” và “điểm kém”. Ngoài ra, các video nhấn mạnh rằng nếu trẻ em không chăm chỉ học hành vào kỳ nghỉ hè, các em sẽ tụt lại phía sau khi đi học lại. Cuối cùng, các video kết thúc bằng hình ảnh giới thiệu về các khóa học ngoại khóa hoặc các loại sách bài tập.
Những video này được phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau. Tận dụng thuật toán trên các nền tảng xã hội, nếu phụ huynh từng xem hoặc tìm kiếm các nội dung liên quan đến học thêm, học hè... thì các video này sẽ xuất hiện trong danh sách đề xuất.
Nhóm video trên đã bị nhiều người cáo buộc là trục lợi từ sự lo lắng của phụ huynh vì đánh vào tâm lý chú trọng và đầu tư cho học tập của các gia đình. Người dân Trung Quốc đã kêu gọi các nền tảng truyền thông gỡ những video này hoặc khóa tài khoản đăng tải những nội dung nêu trên.
Bài bình luận trên tờ Hebei Youth Daily phân tích: “Bán sự lo lắng là một cách tiếp thị phổ biến và đã được chứng minh là thành công, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số khi các nền tảng sử dụng thuật toán để đề xuất nội dung tương tự.
Điều này giúp họ thu thập lưu lượng truy cập dữ liệu và chi phí quảng cáo. Nhưng kết quả là, phụ huynh không thể nhận được câu trả lời mà họ đang tìm kiếm khi xem video, thay vào đó họ lại có thêm những vấn đề mới để lo lắng”.
Hồi cuối tháng 6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra thông báo yêu cầu các văn phòng giáo dục địa phương, giáo viên tiếp tục trấn áp việc dạy thêm văn hóa và chấn chỉnh các chương trình đào tạo ngoại khóa trong kỳ nghỉ hè.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng lưu ý phụ huynh cẩn thận với những video lừa đảo và không bị lừa trả tiền cho các khóa học hoặc tài liệu học được quảng cáo. Về phía các nền tảng mạng xã hội không nên nhắm mắt làm ngơ trước việc mua bán nỗi lo để kiếm lợi nhuận.
Bộ Giáo dục khuyến khích các nhà giáo dục hợp tác với các cơ quan quản lý thông tin và không gian mạng để tháo gỡ, ngăn chặn các hoạt động dạy thêm và quảng cáo trực tuyến bất hợp pháp. Bộ đồng thời đề xuất những tổ chức đứng sau video quảng cáo dạy thêm cần được xử lý công khai để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn.
Theo China Daily