Trung Quốc cân nhắc gói giải cứu 278 tỷ USD cho thị trường chứng khoán
Trung Quốc đang xem xét một gói biện pháp nhằm cứu thị trường chứng khoán giảm sâu, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho hay.
Động thái trên diễn ra sau những nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư bất thành, khiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi cần có các biện pháp “mạnh mẽ”.
Nguồn tin của Bloomberg cho hay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 278 tỷ USD) chủ yếu từ tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, như một phần của quỹ bình ổn để mua cổ phiếu trong nước thông qua chương trình kết nối chứng khoán Hong Kong.
Trung Quốc cũng đã dành ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ từ các quỹ địa phương để đầu tư vào cổ phiếu trong nước thông qua công ty dịch vụ tài chính nhà nước China Securities Finance hoặc quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin Investment.
Ngoài ra, giới chức Trung Quốc đang cân nhắc các lựa chọn khác và có thể công bố một số lựa chọn ngay trong tuần này nếu được lãnh đạo cấp cao chấp thuận.
Tuy nhiên, các kế hoạch trên vẫn có thể thay đổi.
Giới chức Trung Quốc cũng đang chú ý đến việc ngăn chặn đợt bán tháo khiến chỉ số CSI 300 tuần này trượt xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. CSI 300 là chỉ số chứng khoán đo lường vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A tại Trung Quốc.
Việc trấn an các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước - những người bị thiệt hại do suy thoái bất động sản kéo dài của Trung Quốc - được xem là chìa khóa để duy trì ổn định xã hội.
Các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã tăng trung bình 3,8%, mức tăng cao nhất kể từ ngày 15/11, sau khi giảm xuống mức thấp gần 19 năm vào ngày 22/1. Chỉ số CSI 300 đã đảo chiều và tăng điểm sau mức giảm 1% trước đó.
Đồng nhân dân tệ giao dịch nội địa và hải ngoại cũng lên giá, trái ngược mức trượt giá trước đó, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 2,5%.
Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp trên có đủ sức chặn đà giảm sâu của thị trường chứng khoán Trung Quốc, bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, tâm lý tiêu dùng đi xuống, đầu tư nước ngoài sụt giảm và niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc suy giảm sau nhiều năm biến động chính sách đang gây áp lực suy thoái mạnh mẽ lên cả nền kinh tế và thị trường tài chính nước này.
Những nỗ lực trước đây nhằm vực dậy thị trường chứng khoán Trung Quốc, đáng chú ý nhất là vào năm 2015, đã không đủ mạnh và đôi khi còn phản tác dụng. Giới chức Trung Quốc cũng ngần ngại đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế lớn như các nhà đầu tư kêu gọi.
Tại cuộc họp mới đây của Quốc vụ viện Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường chủ trì, nội các Trung Quốc đã nhận được một báo cáo tóm tắt về hoạt động của thị trường vốn cũng như những cân nhắc đối với các công việc liên quan, theo một thông cáo chính thức nhưng không đề cập thông tin chi tiết về những gì Bắc Kinh đang cân nhắc.
“Đây là một cú hích lớn đối với niềm tin”, bà Li Weiqing, giám đốc quản lý quỹ tại công ty quản lý đầu tư JH Investment Management, bình luận. “Các nhận định của Quốc vụ viện cũng khẳng định rằng các nhà hoạch định chính sách hàng đầu đang rất coi trọng vấn đề này, nhưng liệu đà tăng có tiếp tục duy trì sau khi mua vào không hay mọi người sẽ bán ra lúc lên giá, là điều rất khó nói”, bà Li Weiqing nói thêm.
Đến nay, tổng cộng hơn 6.000 tỷ USD vốn hóa đã biến mất khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong, so với mức đỉnh thiết lập năm 2021. Vấn đề này chỉ ra thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi tìm cách ngăn chặn sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Các động thái của Trung Quốc trong những tháng gần đây để thúc đẩy tâm lý thị trường đã khiến các nhà giao dịch không khỏi thất vọng, bởi không ít trong số họ kêu gọi biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.
Bắc Kinh đã hạn chế việc bán khống và các quỹ thuộc sở hữu nhà nước đã vào cuộc để mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn. Việc thành lập một quỹ bình ổn do nhà nước hậu thuẫn đã được dự tính ít nhất là từ tháng 10 năm ngoái, mặc dù một số người hoài nghi về hiệu quả hoạt động của quỹ này.
Niềm tin vào thị trường Trung Quốc đã bị tổn thương trong vài năm trở lại đây do chính quyền nước này ngày càng thắt chặt kiểm soát đối với doanh nghiệp tư nhân, đơn cử cả việc “nắn gân” những “gã khổng lồ” công nghệ. Các ngân hàng quốc tế vốn đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn ở Trung Quốc, nay phải kiểm chế lại tham vọng thiết lập các nền tảng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Marvin Chen, chiến lược gia tại Bloomberg Intelligence, cho rằng: “Gói hỗ trợ tiềm năng có thể ngăn chặn sự sụt giảm trong ngắn hạn và ổn định các thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, bởi chỉ riêng hoạt động mua sắm công ở mức lịch sử thì không thành công trong việc xoay chuyển tâm lý thị trường nếu không có các biện pháp tiếp theo”.
Ở thời kỳ khó khăn năm 2015, Bắc Kinh đã chọn tập đoàn tài chính chứng khoán China Securities Finance làm công cụ ổn định chính, bằng cách cho phép tập đoàn này tiếp cận tới 3.000 tỷ nhân dân tệ tiền vay từ các nguồn, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các tổ chức cho vay thương mại. Số tiền trên được sử dụng để mua cổ phiếu trực tiếp và cung cấp thanh khoản cho các nhà môi giới. Dù vậy, sự hỗn loạn vẫn chưa kết thúc cho đến một năm sau đó.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết lần này, các quan chức Trung Quốc đang tìm cách sử dụng tiền từ nước ngoài để giảm thiểu tác động lên đồng nhân dân tệ vốn đã suy yếu.
Chứng khoán lao dốc đang gây thêm áp lực các sản phẩm phái sinh “snowball” (tuyết lăn) - những sản phẩm có cấu trúc hứa hẹn lợi suất cao giống như trái phiếu miễn là tài sản cơ bản được giao dịch trong một phạm vi nhất định.
Chỉ số CSI Smallcap 500, một tham chiếu định giá cho một số sản phẩm phái sinh, đã giảm 4,7% trong ngày giao dịch 22/1, dưới ngưỡng ước tính trước đó có thể gây ra tổn thất trên diện rộng.
Cũng theo Bloomberg, tuần trước, công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc Citic Securities đã ngừng dịch vụ bán khống cho một số khách hàng sau khi nhận được hướng dẫn từ các cơ quan quản lý.