Trung Quốc càng ngày càng khó khăn khi lực lượng lao động già đi
Các nhà phân tích cho biết, các dữ liệu mới cho thấy lực lượng lao động của Trung Quốc tiếp tục giảm. Bắc Kinh có khả năng phải củng cố lại mục tiêu rằng tăng trưởng kinh tế có chất lượng và cải thiện mức sống của người dân quan trọng hơn tốc độ mở rộng kinh tế trong những năm tới.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng đồng nghĩa với việc chính phủ cần tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Ảnh: EPA-EFE.
Dân số Trung Quốc sẽ vẫn là lớn nhất thế giới trong một khoảng thời gian. Có nghĩa là thị trường nội địa khổng lồ của nước này sẽ giúp đóng vai trò như một vùng đệm khi nước này thực hiện các cải cách cơ cấu để giải quyết tình trạng dân số già nhanh chóng. Bắc Kinh đã công bố ý định hoãn tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách kiểm soát sinh sản, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục và tăng cường dịch chuyển dân số.
Nhưng theo các nhà phân tích, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng sẽ có nghĩa là chính phủ cần phải tạo ra các động lực tăng trưởng mới nếu muốn đạt được mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035, đặc biệt khi quốc gia này chuyển sang chiến lược kinh tế dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa.
Tổng dân số của Trung Quốc đã tăng lên 1,412 tỷ người vào năm 2020 từ mức 1,4 tỷ người một năm trước đó, theo cuộc điều tra dân số kéo dài một thập kỷ được công bố vào thứ 3.
Các bà mẹ Trung Quốc sinh 12 triệu trẻ trong năm ngoái, giảm từ 14,65 triệu vào năm 2019, mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ qua. Và tỷ suất sinh - số trẻ em sinh ra của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - giảm xuống 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Feng Wenmeng, nhà nghiên cứu tại phòng nghiên cứu phát triển xã hội thuộc trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện cho biết khi dân số Trung Quốc ngày càng già đi, việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động thông qua giáo dục tốt hơn sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy năng suất.
Quá trình này đang được tiến hành, với dữ liệu điều tra dân số cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng lên 15% dân số vào năm 2020 từ 9% của một thập kỷ trước đó.
Feng nói: “Nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, vì vậy điều quan trọng hơn là phải cải thiện chất lượng dân số”.
Lauren Johnston, cộng sự nghiên cứu tại Viện SOAS Trung Quốc cho biết, giống như các nền kinh tế Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Trung Quốc phải đối mặt với gánh nặng chi phí ngày càng tăng cho việc chăm sóc người già và lương hưu do tỷ lệ sinh dưới mức thay thế. Tuy nhiên, thách thức của Trung Quốc còn đang phức tạp bởi thực tế nước này vẫn là một nước đang phát triển.
Tỷ lệ dân số cao tuổi ở Trung Quốc sẽ tăng lên. Theo dự báo của Liên hợp quốc, tỷ lệ này sẽ tăng lên 17% vào năm 2030 và 26% vào năm 2050. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 65 tuổi, dự kiến sẽ giảm xuống còn 4 đến 1 vào năm 2030 và 2 đến 1 vào năm 2050, trước đó vào năm 2000, con số này là từ 10 thành 1.
Cuối cùng, khả năng của Trung Quốc để đối mặt với những thách thức này sẽ phụ thuộc vào việc nước này có thể chuyển dịch sang các động lực tăng trưởng mới tốt như thế nào để tránh nhu cầu trong nước thấp, do người nghỉ hưu chi tiêu trung bình ít hơn so với công dân trong độ tuổi lao động.
Zhai Zhenwu, giáo sư tại trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển của Đại học Renmin, Trung Quốc, cho biết tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của đất nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Chính quyền trung ương đang cố gắng xây dựng các khu đô thị hiện có, nâng cao thu nhập và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn sẽ thúc đẩy tiêu dùng.
Trung Quốc đã thảo luận về việc phát triển một thị trường quốc gia thống nhất để phá bỏ các rào cản giữa các tỉnh, đây là điều vốn có thể có tác động đáng kể đến di cư trong nước và hỗ trợ chính sách đô thị hóa.
Yue Su, nhà kinh tế chính về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit cho biết, quy mô gia đình thay đổi ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng vào nhà ở, ô tô và thậm chí cả lĩnh vực ăn uống. Bà nói thêm, cơ hội mới sẽ xuất hiện khi các công ty đầu tư vào sản xuất thông minh để đối phó với sự suy giảm quy mô dân số trong độ tuổi lao động.
Ngay cả khi Trung Quốc thành công trong việc cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, các nhà quan sát cho rằng nước này vẫn phải thực hiện các bước tích cực để cải cách các vấn đề liên qua đến hạn chế sinh và cung cấp hỗ trợ chăm sóc trẻ em tốt hơn để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.
Trung Quốc đã bỏ chính sách một con gây tranh cãi vào năm 2016 để cho phép các cặp vợ chồng có hai con, mặc dù điều này hoàn toàn không có hiệu quả trong việc thúc đẩy sinh con.
Zhuang Bo, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard, cho biết. “Bắc Kinh dự định nới lỏng các hạn chế kiểm soát sinh sản trong những năm tới, nhưng việc chi tiền để khuyến khích sinh con và đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh thấp của quốc gia vẫn còn rất thấp”.
Zhuang cho rằng dân số chậm lại của đất nước không phải là vấn đề lớn đối với các nhà hoạch định chính sách vì Trung Quốc không có quá nhiều áp lực trong việc tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động.
Khi mức lương của Trung Quốc thấp và nguồn cung lao động dồi dào, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các biện pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động. Các nhà phân tích cho biết khi tốc độ tăng trưởng dân số cao của Trung Quốc giảm dần, các động lực có thể chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao để nâng cấp nền kinh tế.